Vào trong tâm dịch, tôi vỡ ra rất nhiều điều. Điều đầu tiên đập vào mắt tôi là người chết vì Covid chủ yếu không phải là già, không phải là bệnh nền. Già thì dễ chết, bệnh nền thì dễ chết, những cái đó ai chẳng biết. Nhưng ở đây người chết chủ yếu là thừa cân và béo phì.
Thật ra điều này thế giới đã biết từ lâu. Tổng thư ký Tổ chức Y tế Thế giới, ông Tedros Ghebreyesus đã nói: “Mối tương quan giữa béo phì và tỷ lệ tử vong do Covid 19 là rõ ràng và thuyết phục”. Các thống kê cho thấy trong số 2,5 triệu người tử vong do Covid thì có 2,2 triệu người là ở những nước có tỷ lệ người béo phì cao.
Cụ thể hơn nữa, theo The Guardian, ở Anh, 80% bệnh nhân nằm trong phòng chăm sóc tích cực là thừa cân và béo phì, ở Mỹ con số này thậm chí là 88%. Trước đây, Việt Nam có tỷ lệ tử vong do Covid thấp nhất thế giới vì lúc đó dịch mới chỉ quét qua vùng toàn người gầy. Chỉ vậy thôi chứ chẳng có gì là bí mật cả. Còn đợt này dịch quét qua vùng có mức sống cao của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nơi có nhiều người béo phì nhất cả nước, thì tỷ lệ tử vong lập tức vọt lên ngay, 2,5% so với tỷ lệ trung bình của thế giới là 2,1%. Nếu tính riêng Tp. HCM thì tỷ lệ tử vong còn cao hơn nữa, xấp xỉ 4%.
Tại sao người béo phì lại dễ chết khi nhiễm Covid? Bây giờ cơ chế tử vong do Covid đã dần dần lộ rõ, người chết vì Covid chủ yếu do cơn bão cytokin xảy ra do cơ thể phản ứng quá mức với virus. Khoảng 80% người nhiễm Covid hệ miễn dịch của họ phản ứng vừa đủ để loại bỏ virus, họ trải qua một đợt bệnh nhẹ nhàng. 20% người nhiễm còn lại biểu hiện khá nặng và cần nhập viện điều trị và một số trong đó đã không qua khỏi.
Như vậy, là cơn bão cytokin có liên quan chặt chẽ với tình trạng béo phì? Thật ra điều này trong y học đã biết từ lâu. Người béo phì là những người có rối loạn chuyển hóa, và ở những người này, hệ miễn dịch dễ bị rối loạn đáp ứng. Không chỉ béo phì mà những người có rối loạn miễn dịch khác như tiểu đường, cushing, vẩy nến, lupus ban đỏ… cũng rất dễ chết khi nhiễm Covid.
Chúng ta tiếp tục tìm hiểu xem: Tại sao người béo phì lại dễ có phản ứng quá mức, để trở thành cơn bão cytokin chết người.
Béo phì là tăng tỷ lệ mỡ trong cơ thể. Từ mấy chục năm nay, giới y học đã thay đổi cách nhìn với mô mỡ. Tế bào mỡ (adipocyte), mô mỡ (adipose tissue) không còn chỉ biết đến như là những kho dự trữ năng lượng nữa, mà một nhận thức mới đã được đưa ra: Mô mỡ được coi là những cơ quan nội tiết.
Những năm 1990, khoa học đã phát hiện ra mô mỡ tiết ra leptin – một hormone điều hòa chuyển hóa năng lượng, có tác dụng lên cả hệ dưới đồi. Tiếp theo người ta phát hiện tiếp mô mỡ còn tiết ra rất nhiều các cytokin (còn gọi là các adipokines), trong số đó có những chất có hoạt tính gây viêm và phá hủy mạnh như IL6, TNFα. Các cytokines này chính là các thủ phạm gây nên cơn bão cytokin ở phổi của những người mắc Covid.
Bình thường mô mỡ tiết ra lượng ít các cytokine, và cân bằng giữa các cytokine gây viêm và cytokine chống viêm (như adiponectin), nên cơ thể chúng ta khỏe mạnh. Khi nhiễm bệnh, hệ miễn dịch bị huy động, các khối mỡ khổng lồ trong cơ thể cũng bị đánh thức, và chúng đã sản xuất ra lượng cytokin vượt mức, gây hại cho cơ thể. Thêm nữa, khi bị bệnh cơ thể có nhu cầu năng lượng cao, nhưng thường bị bỏ đói, khi đó các khối mỡ cũng bị huy động để ly giải triglyceride thành năng lượng, cũng sinh ra các chuyển hóa xấu.
Vì vậy, có lẽ những người bệnh nào được chăm sóc tốt, ăn uống đủ năng lượng, để cơ thể không cần phải đánh thức các mô mỡ, thì thường bệnh nhẹ hơn. Dù sao đây cũng là những giả thuyết, cần tiếp tục nghiên cứu thêm. Như vậy, béo phì rất dễ chết khi mắc Covid. Mọi người nên mau chóng giảm cân, để nếu chẳng may có nhiễm Covid thì cũng bị nhẹ hơn.
Văn hóa Việt Nam vẫn dành cho những người béo cái nhìn thiện cảm. Bình thường họ là những người dễ mến. Từ béo hay đi kèm với những từ tốt đẹp, như: béo tốt, béo khỏe, béo đẹp. Nhưng giờ thì tôi chứng kiến rất nhiều người béo phì đã chết vì Covid.
Nhìn những thân thể thừa mỡ nằm thở hổn hển mà thấy thương. Cứ từ từ họ nặng dần lên. Lúc mới vào chỉ cần thở oxy nhẹ nhàng. Nhưng chỉ mấy ngày sau phải thở oxy mức cao nhất, rồi phải đặt ống thở máy, rồi một vài ngày sau ra đi.
Không thể kể hết những cực nhọc khi chăm sóc những người béo phì. Lăn trở thay bỉm phải mấy người mới vần được. Lấy ven thì bất khả thi, mạch máu chìm đâu mất trong đám mỡ, phải đặt catheter tĩnh mạch trung tâm. Thở thì hổn hển khó nhọc, không thể nằm sấp được do bụng mỡ quá lớn… Và trên tất cả là xét nghiệm cho thấy phản ứng của cơn bão cytokine trong cơ thể rất mạnh, tàn phá lá phổi, tàn phá đa cơ quan.
…
Tôi lấy miếng gạc ướt lau những vết máu vết dịch trên mặt em sau khi đợt cấp cứu cuối cùng thất bại. Khuôn mặt em lại trở nên bình thản, xinh đẹp và dễ mến như em vốn có xưa nay. Em không còn phải đau đớn nữa. Chúng tôi cũng đã cố hết sức rồi. Em cũng cố hết sức rồi. Hãy ra đi thanh thản.
Bài viết của Bác sĩ Quan Thế Dân – bác sĩ chi viện cho Bình Dương…
Xem bài viết gốc tại đây
Tài liệu tham khảo
1. Christopher Church, Mark Horowitz and Matthew Rodeheffer. Adipocyte. 2012 Jan 1; 1(1): 38–45 doi: 10.4161/adip.19132. PMCID: PMC3661122
2. Achari AE, Jain SK. Adiponectin, a Therapeutic Target for Obesity, Diabetes, and Endothelial Dysfunction. Int J Mol Sci. 2017;18(6):1321. Published 2017 Jun 21. doi:10.3390/ijms18061321
3. Đại dịch Covid-19 hé lộ đại dịch béo phì