WHO cho biết các bước tiếp theo để tìm nguồn gốc của đại dịch sẽ dựa trên cơ sở khoa học. Đồng thời, bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc và các nước thành viên khác rằng, WHO đã từ chối loại thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm vì áp lực chính trị. Cơ quan y tế toàn cầu này đang kêu gọi ‘tinh thần hợp tác’ trong việc tìm kiếm nguồn gốc Covid-19. 

Trong một tuyên bố hôm thứ 5, ngày 12/8 của cơ quan Liên Hợp Quốc có nói: “WHO nhắc lại rằng việc tìm kiếm nguồn gốc của Sars-CoV-2 không phải và không nên là một cuộc tập trận để đổ lỗi, chỉ tay hoặc liên quan chính trị. Để giải quyết ‘giả thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm’, điều quan trọng là [chúng tôi] phải có quyền truy cập vào tất cả dữ liệu, phương pháp nghiên cứu khoa học và xem xét các cơ chế mà WHO đã áp dụng”.

Tổ chức Y tế Thế giới nhấn mạnh rằng: “WHO chỉ tập trung vào khoa học, cung cấp các giải pháp và xây dựng sự đoàn kết”.

Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ trong nhiều tháng đã có những đáp trả gay gắt về đại dịch, cáo buộc nhau chính trị hóa các cuộc điều tra nguồn gốc. Đồng thời, cả hai bên đều đưa ra giả thuyết, mà không có bằng chứng, rằng virus có thể đã thoát ra khỏi phòng thí nghiệm ở nước kia.

Phản ứng của Trung Quốc khi WHO kêu gọi ‘tinh thần hợp tác’

Tháng trước, Bắc Kinh bác bỏ kế hoạch của WHO cho giai đoạn điều tra thứ hai. Kế hoạch bao gồm kiểm tra các phòng thí nghiệm liên quan ở Vũ Hán – nơi đầu tiên các ca nhiễm viêm phổi Vũ Hán được báo cáo vào cuối năm 2019.

Một quan chức của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã gọi giả thuyết phòng thí nghiệm – tập trung vào Viện Virus Vũ Hán – là một tin đồn. Trong khi đó, những tháng gần đây, Bộ ngoại giao Trung Quốc lại thúc đẩy giả thuyết một phòng thí nghiệm tại Căn cứ quân sự Hoa Kỳ Fort Detrick ở Maryland có thể là nguồn rò rỉ virus.

Đầu năm nay, một phái bộ do WHO hậu thuẫn đến Vũ Hán cho biết lý thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm rất khó xảy ra. Tuy nhiên, kết luận này đã bị chỉ trích. Một số nhà nghiên cứu nói rằng, họ không có quyền truy cập vào thông tin quan trọng như dữ liệu bệnh viện và thông tin của virus được lưu trữ trong phòng thí nghiệm của Vũ Hán.

Các thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) – nhóm điều tra nguồn gốc của COVID-19 đã đến Viện Virus học Vũ Hán ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc vào ngày 3/2/2021 (Ảnh: HECTOR RETAMAL/AFP via Getty Images)

Ngày 12/8 vừa qua, WHO cũng đã kêu gọi Trung Quốc chia sẻ dữ liệu thô và mẫu máu từ các ca nhiễm sớm và có khả năng xảy ra vào năm 2019. Đồng thời, cấp quyền truy cập vào các phòng thí nghiệm như Viện Virus học Vũ Hán. WHO đã đưa ra các ví dụ về Nga và Mỹ – hai quốc gia duy nhất còn lưu giữ các kho dự trữ virus đậu mùa. Những con virus này lưu giữ trong các phòng thí nghiệm an toàn. Sau đó, đội an toàn sinh học của WHO sẽ kiểm tra hai năm một lần và báo cáo công khai.

WHO tuyên bố: “Phân tích, cải thiện các quy trình, giữ an toàn trong tất cả các phòng thí nghiệm trên khắp thế giới, bao gồm cả ở Trung Quốc, là điều quan trọng đối với an ninh và an toàn sinh học nhân loại của chúng tôi”.

Vào thứ 6, ngày 13/8, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc – Tạ Phong đã trả lời tuyên bố của WHO rằng, Bắc Kinh không phản đối nghiên cứu về nguồn gốc. Nhưng nói thêm, Ban thư ký của WHO đã không tham khảo ý kiến ​​các quốc gia thành viên về kế hoạch cho giai đoạn hai, và nó không dựa trên các điều khoản được nêu trong báo cáo tháng 3 về sứ mệnh ở Vũ Hán.

Ông Tạ Phong cho biết: “[Chúng tôi] phản đối một nghiên cứu về nguồn gốc virus từ bỏ báo cáo chung đầu tiên giữa WHO và Trung Quốc. Những gì chúng tôi ủng hộ là một cuộc điều tra khoa học về nguồn gốc”.

Giám đốc phòng thí nghiệm Từ Kiến Quốc của CDC Trung Quốc, cũng phát biểu tại cuộc họp, nói rằng coronavirus là một bệnh truyền nhiễm xảy ra tự nhiên và không thể bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm.

Chuyên gia y tế Mỹ nói gì về việc điều tra của WHO?

Scott Rosenstein – Cố vấn Y tế Công cộng cấp cao tại Công ty tư vấn Eurasia Group có trụ sở tại New York, cho biết mối quan hệ giữa Trung Quốc và WHO là điều đáng chú ý. Vì WHO là một trong số “những người bảo vệ còn sót lại của Bắc Kinh” trước đề xuất giai đoạn hai.

Giám đốc WHO Tedros đã nhiều lần ca ngợi phản ứng của Trung Quốc trong đợt bùng phát đầu tiên ở Vũ Hán năm ngoái. (Ảnh: FABRICE COFFRINI/AFP via Getty Images)

Ông Rosenstein cho biết: “Mối quan hệ với WHO hiện đang trở nên tồi tệ. Tôi nghĩ sẽ có nhiều cách thức nghiên cứu thực địa mới ở Trung Quốc xem xét nguồn gốc tự nhiên hay rò rỉ từ phòng thí nghiệm”.

Ông nói thêm rằng, Mỹ cũng sẽ bị hạn chế trong nỗ lực dẫn đầu về truy xuất nguồn gốc mà không thông qua việc tiếp cận với Trung Quốc. Ông nói: “Bên trong Trung Quốc, nhiều bằng chứng hữu ích để xác định nguồn gốc virus có thể không còn tồn tại. Con đường khả dĩ nhất để hiểu rõ hơn đó là từ người tố cáo Trung Quốc hoặc một số thông tin tình báo khác có được mà không phải từ sự trợ giúp của Bắc Kinh”.

Trong khi đó, ông Daniel Aldrich – Giám đốc chương trình Nghiên cứu An ninh và Khả năng phục hồi tại Đại học Northeastern ở Boston cho biết, bất chấp căng thẳng trong mối quan hệ, Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn cần hợp tác để truy xuất nguồn gốc virus.

Ông thêm rằng, ‘uy tín’ của Trung Quốc với tư cách là một ‘cường quốc minh bạch’ cũng sẽ được nâng cao nếu nước này hợp tác với WHO. Ông nói: “Với tầm quan trọng của tính công khai, minh bạch và khả năng tái tạo trong khoa học, Bộ Ngoại giao Trung Quốc và các quan chức chính phủ khác sẽ thấy rằng việc hợp tác với WHO để truy xuất nguồn gốc virus có thể sẽ hiệu quả hơn là đẩy lùi các kế hoạch”.