Cà phê có thể nói là một trong những thức uống phổ biến trong thời hiện đại, uống một tách cà phê có thể giúp tinh thần tỉnh táo, nâng cao hiệu suất học tập và làm việc. Điều này là do một số thành phần trong cà phê sẽ kích thích thần kinh não bộ, tuy nhiên không phải ai cũng nên uống nhiều thức uống này.
Y học hiện đại đã chứng minh rằng cà phê có thể thúc đẩy tư duy, khiến thần kinh hưng phấn, tiêu trừ mệt mỏi, tăng cảm giác thèm ăn, trợ giúp tiêu hóa v.v
Đồng thời, cà phê còn mang lại một số lợi ích khác cho cơ thể
Xem nhanh
Ngăn ngừa tiểu đường
Các chất chống oxy hóa như axit chlorogenic trong cà phê có thể cải thiện độ nhạy của tế bào cơ thể với insulin, có lợi hơn cho việc điều chỉnh lượng đường trong máu.
Viện thông tin Khoa học về Cà phê (Institute for Scientific Information on Coffee) – đã phân tích 30 nghiên cứu bao gồm dữ liệu của gần 1,2 triệu người tham gia. Kết quả phát hiện những người uống 3 – 4 tách cà phê mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 thấp hơn 25% so với những người uống từ 2 tách trở xuống.
Bảo vệ tim mạch
Một nghiên cứu mới được công bố vào cuộc gặp mặt thường niên của Cộng đồng Tim mạch châu Âu vào tháng 8/2021 cho thấy, những người uống từ 0,5 đến 3 cốc cà phê mỗi ngày giúp giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim, đột quỵ so với người không uống. Nghiên cứu dựa trên thói quen uống cà phê của gần 500.000 người.
Trước đó, một nghiên cứu được đăng trên tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cũng cho thấy, uống một cốc cà phê đen mỗi ngày có tác dụng giảm nguy cơ suy tim về lâu dài.
Tốt cho gan
Uống cà phê điều độ giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về gan như xơ gan, gan nhiễm mỡ. Uống 2 tách cà phê mỗi ngày có thể giảm 43% nguy cơ ung thư gan, do axit chlorogenic và axit caffeic trong cà phê có thể ức chế tế bào ung thư trong cơ thể tạo ra sự khuếch tán.
Cải thiện sức sống bộ não
Sử dụng trong thời gian ngắn, cà phê giúp cải thiện tâm trạng, tăng cường chức năng hoạt động của não, tăng cường trí nhớ ngắn hạn. Sử dụng cà phê lâu dài có thể giúp bạn bảo vệ chống lại các bệnh về não như Alzheimer và Parkinson.

Ở chiều ngược lại, chúng ta cũng cần xem xét một số tác hại của việc uống cà phê
Gây loãng xương
Khi cơ thể hấp thụ một lượng lớn cà phê, chất cafein của đồ uống này có thể khiến canxi tự do trong cơ thể không thể được hấp thụ và sử dụng hết, dẫn đến việc canxi bị đào thải qua nước tiểu, gây nguy cơ suy yếu xương.
Tăng huyết áp
Cà phê có thể khiến tim đập nhanh và tăng huyết áp ở một số tình huống, điều này là do chất cafein trong cà phê có tác dụng gây hưng phấn thần kinh giao cảm của não. May mắn là, hiệu ứng ảnh hưởng huyết áp này chỉ có tính tạm thời và sẽ kết thúc khi bạn ngừng nạp caffein.
Rối loạn nhịp tim
Uống cà phê điều độ có tác dụng bảo vệ tim mạch nhất định, nhưng nếu uống quá nhiều cùng lúc, hoặc uống nhiều cà phê trong nhiều ngày liên tiếp có thể dẫn đến tim đập nhanh, rối loạn nhịp tim, các hậu quả về tim mạch và tổn thương mạch máu não. Ở góc độ giữ gìn sức khỏe, lời khuyên cho bạn là phải kiểm soát lượng cà phê thường uống, không nên uống quá nhiều.
Gây ảnh hưởng không tốt tới thận
Lạm dụng cà phê sẽ ảnh hưởng đến tuyến thượng thận, buộc tuyến này phải làm việc quá sức ảnh hưởng đến cả hệ thống tiêu hóa. Ngoài ra tuyến thượng thận có tác dụng điều hòa nhịp tim, vì vậy khi cơ quan này phải làm việc quá sức sẽ khiến cho cơ thể kiệt sức.
Vậy những người nào nên tránh loại đồ uống này?
Phụ nữ mang thai và cho con bú
Phụ nữ mang thai uống cà phê sẽ khiến lượng caffeine trực tiếp đi vào thai nhi qua nhau thai và ảnh hưởng tới sức khỏe của bé. Một số nghiên cứu chứng minh rằng, caffeine kìm hãm sự phát triển của thai nhi và có tác động có hại tới hệ tim mạch và sinh sản.
Ngoài ra, Hội Thai sản Mỹ đề nghị tránh caffein càng nhiều càng tốt trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Vì caffein trong cà phê là một chất kích thích và lợi tiểu, nên người mẹ đang cho con bú có nguy cơ bị mất nước.
Người bị bệnh dạ dày
Cà phê có khả năng gây kích ứng dạ dày và niêm mạc ruột non, gây ra các khó chịu về đường tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy, chướng bụng, trường hợp nặng có thể gây viêm loét dạ dày, hang vị và các bệnh đường tiêu hóa khác. Ngoài ra, uống cà phê lúc đói cũng kích thích tăng tiết axit ở dạ dày, khiến cho bệnh ngày càng trầm trọng.

Người bị tiêu chảy
Caffein sẽ kích thích đi tiểu nhiều, gây mất nước. Với người bị tiêu chảy, mất nước là vấn đề nghiêm trọng. Do vậy, người đang mắc vấn đề này không nên uống cà phê để đảm bảo sức khỏe.
Người bị bệnh thận
Những người mắc các vấn đề về thận hay suy thận thuộc nhóm tuyệt đối không được dùng cà phê. Bởi caffeine trong cà phê kích thích hoạt động chức năng của thận, uống cà phê sẽ khiến bệnh trầm trọng hơn.
Trẻ em dưới 12 tuổi
Trẻ uống cà phê có khả năng bị tăng nhịp tim, tăng cảm giác lo lắng, khó tập trung và đau bụng. Cà phê có tính axit khá cao, do đó gây nguy cơ làm hỏng men, sâu răng.
Ngọc Mai (tổng hợp)
Xem thêm: