Ngày 28/2, Reuters đưa tin, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cùng hai lãnh đạo chính quyền đã ký đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Thông tin này được ông Sybiha, phó văn phòng tổng thống Ukraine loan báo trên mạng xã hội.

Động thái diễn ra vài giờ sau khi ông Zelensky kêu gọi EU “nhanh chóng” kết nạp Ukraine vào khối, trong bối cảnh đất nước ông đang đối diện với cuộc xâm lược của Nga.

Một ngày trước đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu rằng, Ukraine là “một trong số chúng tôi và chúng tôi muốn họ gia nhập” EU. Tuy nhiên, bà cũng cho biết, việc gia nhập khối sẽ không diễn ra lập tức bởi quá trình này liên quan đến việc tích hợp thị trường Ukraine vào EU. Trang web của EU cũng nhấn mạnh rằng “trở thành thành viên khối EU là thủ tục phức tạp, không thể diễn ra trong một sớm một chiều”.

Được biết, một quốc gia chỉ có thể nộp đơn xin gia nhập khối EU khi quốc gia đó đáp ứng các điều kiện nhất định, bao gồm có nền kinh tế thị trường tự do, dân chủ ổn định và chấp nhận tất cả luật pháp của EU cũng như đồng euro. Sau đó, quốc gia này sẽ nộp đơn lên Hội đồng châu Âu. Tổ chức này sẽ yêu cầu Ủy ban châu Âu đánh giá khả năng đáp ứng các tiêu chí của đất nước muốn xin gia nhập.

Kiev nhận hỗ trợ từ nhiều nước

Ngày 28/2, Reuters đưa tin, Bộ Tài chính Mỹ cho biết, nước này đã cấm giao dịch với Ngân hàng Trung ương Nga và quỹ đầu tư nước ngoài của Moscow. Các cá nhân và doanh nghiệp Mỹ giờ sẽ không thể thực hiện các giao dịch tài chính với Ngân hàng Trung ương Nga, Quỹ Tài sản Quốc gia Liên bang Nga và Bộ Tài chính Nga. Các quan chức Mỹ đánh giá rằng, lệnh trừng phạt mới sẽ đẩy nền kinh tế Nga lún sâu hơn nữa.

Theo tờ Swiss Info, Thụy Sĩ tuyên bố sẽ cùng các nước EU trừng phạt Moscow, trong đó có việc đóng băng tài sản của giới tinh hoa Nga tại đây, bao gồm tài sản của Tổng thống Putin và Ngoại trưởng Sergei Lavrov. Tổng thống Thụy Sĩ Ignazio Cassis cho biết “Đây là hành động chưa có tiền lệ của Thụy Sĩ, nước từ trước vẫn luôn trung lập”.

Dữ liệu ngân hàng Thụy Sĩ cho thấy trong năm 2020, các công ty và công dân Nga giữ khối tài sản trị giá hơn 11 tỷ USD tại các ngân hàng của nước này. Thụy Sĩ còn là nơi đặt nhiều công ty thương mại dầu mỏ và các mặt hàng khác của Nga.

Chung tay cùng các quốc gia châu Âu khác, Phần Lan thông báo sẽ gửi vũ khí, đạn dược và thực phẩm cho Ukraine. Đây là một sự thay đổi trong chính sách của Phần Lan, vốn duy trì hình ảnh một quốc gia không thuộc hoặc chống lại bất kỳ khối cường quốc lớn nào.

Italia cũng cho biết họ sẽ cung cấp vũ khí cho Ukraine và giúp đỡ những người tị nạn nước này chạy trốn khỏi cuộc xâm lược của Nga.

Xem thêm:

Từ Khóa: