Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky cho biết, Bộ Ngoại giao nước này đã yêu cầu ông cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga.
Reuters đưa tin, ông Zelensky nói: “Việc Moscow công nhận hai khu vực ly khai là tiền đề cho một cuộc tấn công quân sự tiếp theo. Chúng tôi tin rằng với quyết định này, Nga đang tạo ra một cơ sở pháp lý để tiếp tục gây hấn quân sự với Ukraina, qua đó vi phạm tất cả các nghĩa vụ quốc tế có thể có”.
Tổng thống Ukraina nhận định, ít có khả năng xảy ra một cuộc xung đột lớn với Nga, nhưng sẵn sàng đưa ra thiết quân luật nếu điều này xảy ra.
Cùng lúc, phương Tây bắt đầu tung các đòn đáp trả và răn đe Nga sau nhiều cuộc bàn thảo.
Theo Reuters, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố sẽ ngừng phê duyệt hệ thống đường dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2.
Ông Scholz phát biểu: “Chúng tôi phải đánh giá lại tình hình, nhất là liên quan tới Dòng chảy phương Bắc 2. Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức sẽ xem xét lại quy trình chứng nhận dự án dựa trên những hành động của Moscow”.
Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án năng lượng gây tranh cãi nhiều tại châu Âu, được thiết kế nhằm tăng gấp đôi dòng chảy khí đốt từ Nga thẳng đến Đức qua lòng biển Baltic, thay vì phải qua Ukraina.
Giới chức Ukraina từng nhiều lần phản đối việc xây dựng đường ống này vì cho rằng “dự án trị giá 11,6 tỷ USD này là một nỗ lực nhằm phá hoại an ninh năng lượng của châu Âu”.
Cùng ngày, theo Guardian, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết sẽ áp đặt lệnh trừng phạt lên năm ngân hàng và ba tỷ phú Nga.
Ông Johnson nói: “Mọi tài sản của họ tại Anh sẽ bị đóng băng. Các cá nhân có tên trong danh sách sẽ không được nhập cảnh. Chúng tôi sẽ cấm mọi cá nhân và cơ quan Anh làm ăn với họ”.
Ông Johnson cũng khẳng định London sẽ tiếp tục đưa ra các biện pháp cấm vận khác trong sự phối hợp với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) nếu tình hình tiếp tục leo thang.
Đại diện EU cho biết, sẽ trừng phạt các cá nhân và thực thể Nga mà khối cho rằng đã đóng vai trò quan trọng trong việc xâm phạm chủ quyền của Ukraina. Toàn bộ 51 thành viên của Duma quốc gia (tức Hạ viện Nga) sẽ nằm trong diện trừng phạt của EU, chủ yếu là các biện pháp cấm đi đến lãnh thổ các nước EU cũng như đóng băng tài sản của các cá nhân này (nếu có)tại các nước EU.
Ngoài ra, một số ngân hàng cũng như công ty trong lĩnh vực quốc phòng của Nga cũng sẽ bị hạn chế tiếp cận với thị trường vốn tại các nước EU.
Tuy nhiên EU cho hay vẫn chưa từ bỏ các nỗ lực ngoại giao cho cuộc khủng hoảng hiện nay.
Còn tổng thống Biden tuyên bố sẽ nhắm vào ngân hàng quốc phòng Nga VEB và khoản nợ công, khiến nước này không thể tiếp cận nguồn tài chính của phương Tây.
Trong khi đó, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto thông báo rằng, hành động của Nga ở Ukraine sẽ tác động đến việc đánh giá an ninh đối với dự án nhà máy năng lượng hạt nhân mà Phần Lan và Nga hợp tác tại tây bắc nước này. Tuy nhiên ông Niinisto chưa nói rõ liệu nước này có ngừng dự án hay không.
Trước đó, TT Putin đã tuyên bố Nga không sợ và miễn nhiễm với mọi sự trừng phạt của phương Tây. Sự tự tin của Nga không phải không có cơ sở khi chỉ cách đây 3 tuần Moscow vừa ký kết hợp đồng cung cấp khí đốt tự nhiên và dầu mỏ trị giá tới 117,5 tỷ USD với Bắc Kinh.