Mới đây, Tạp chí Phố Wall đưa tin rằng, Trung Quốc đang xây dựng một dự án “Vạn lý trường thành” mới ở biên giới phía nam với Việt Nam và Myanmar để ngăn chặn sự xâm nhập của dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, về mặt lâu dài bức tường này có khả năng gây chia rẽ về thương mại và du lịch.

Trong 2 năm qua, thành phố Thụy Lệ phía nam Trung Quốc, sát biên giới Myanmar, đã chứng kiến một dự án xây dựng lớn. Đó là hàng rào biên giới được trang bị dây thép gai, camera giám sát và các thiết bị cảm ứng.

Xa hơn về phía đông, dọc theo biên giới Việt – Trung, một hàng rào cao hơn 3,6 mét được dựng lên đột ngột vào năm ngoái. Một chủ khách sạn ở Lào Cai cho biết, hàng rào này chặn người dân Việt Nam đến các làng quê Trung Quốc để thu hoạch ngô hoặc bán dược liệu và “trông như một nhà tù”. 

Mục đích của những hàng rào này được cho là nhằm chống lại sự lây lan của dịch Covid-19 bằng cách hạn chế sự đi lại của thương nhân, công nhân và những kẻ buôn lậu. Cư dân mạng gọi nó là “Vạn Lý Trường Thành phía Nam”. Còn các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đặt cho nó cái tên là “Vạn Lý Trường Thành Chống Covid”. 

Trong khi một số quốc gia khác đã chuyển sang sống chung với Covid-19 thì Trung Quốc vẫn kiên quyết duy trì chiến lược cứng rắn “zero-Covid”, đặc biệt khi Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh khai mạc vào tuần này. Các biện pháp được Bắc Kinh áp dụng không chỉ bao gồm phong tỏa, xét nghiệm trên diện rộng mà còn cả xây dựng tường ngăn cách với các nước láng giềng. 

Chiến lược này có thể khiến cuộc sống của các cộng đồng ở biên giới phía Nam thay đổi nghiêm trọng, thương mại ngày càng trở nên cồng kềnh và di chuyển của người dân bị thắt chặt.

Vào tháng 8 năm ngoái, Chủ tịch Tập Cận Bình đã gửi một bức thư tới người dân vùng biên giới Vân Nam, kêu gọi họ “bảo vệ vùng đất thiêng” và “cùng nhau xây dựng một bức tường bất khả xâm phạm”. Tại Quảng Tây, giáp với miền Bắc Việt Nam, ban lãnh đạo ĐCSTQ đã kêu gọi các cán bộ “chạy đua với thời gian, dốc hết sức lực, kiên quyết đánh thắng đại dịch” và bảo vệ “cửa nam” của Trung Quốc.

Năm ngoái, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) nơi có biên giới giáp với Myanmar, Việt Nam và Lào, đã dành một quỹ trị giá nửa tỷ đô-la Mỹ để củng cố các hàng rào an ninh ở biên giới. Hồi tháng trước, lãnh đạo tỉnh Vân Nam cho biết, 100.000 quan chức, sĩ quan cảnh sát, binh lính v.v đã tuần tra ở khu vực biên giới.

Theo phân tích của Tạp chí phố Wall, trong hai năm qua, Trung Quốc đã xây dựng hoặc sửa chữa ít nhất 459 km hàng rào dọc theo biên giới của mình, hầu hết ở phía nam. Số liệu thực tế có thể còn cao hơn vì không phải tất cả các chính quyền địa phương đều công khai loại chi tiêu này.  

Tại tỉnh Quảng Ninh của Việt Nam, một hệ thống hàng rào chắc chắn với các cột trụ, lưới thanh sắt và các cuộn dây thép gai cũng đã xuất hiện trên các đỉnh đồi nằm dọc theo biên giới với Trung Quốc. Camera và đèn chiếu sáng được lắp đặt ở tuyến hàng rào này. Người dân địa phương cho biết, các hoạt động buôn lậu chân gà, nội tạng heo và các thực phẩm đông lạnh khác qua các đường mòn lối mở ở khu vực biên giới này đã bị chặn đứng kể từ khi hàng rào này xuất hiện.

Từ cuối 2018, Trung Quốc cho xây hàng trăm km rào cao ngăn lối trên bộ với Việt Nam ở các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh (ảnh Youtube).

Từ rất lâu trước đại dịch Covid-19 bùng phát, Trung Quốc đã xây hàng rào ở một số khu vực biên giới của mình, không chỉ gần Triều Tiên và Tân Cương, mà còn ở phía nam, nơi buôn lậu đang trở thành vấn đề đau đầu của giới chức trách. Tuy nhiên, mức độ mở rộng hàng rào dọc biên giới phía nam trong đại dịch hầu như không được chú ý nhiều.

Ngoài ra, hồ sơ công khai cho thấy, trong hai năm qua, các hàng rào biên giới ở một số khu vực phía bắc Trung Quốc tiếp giáp với Mông Cổ và Nga cũng đã được củng cố.  

Bộ Ngoại giao Trung Quốc lý giải rằng, củng cố biên giới là một thông lệ quốc tế được chấp nhận rộng rãi và những hàng rào này đang giúp ngăn chặn sự lây truyền Covid-19 qua biên giới.

Thành phố Thủy Lệ, một trung tâm buôn bán đồ trang sức của Trung Quốc, cũng đã phải chịu những đòn giáng nặng nề vào nền kinh tế do các đợt đóng cửa liên tục trong vài năm gần đây. Thành phố này trải qua nhiều đợt phong tỏa trước khi dỡ bỏ chúng vào năm ngoái. Trong chín tháng đầu năm 2021, kinh tế của Thụy Lệ giảm 8,4% so với một năm trước đó. Nhiều cư dân không chịu nổi đã phải rời đi. 

Trong hai năm qua, thành phố đã xây dựng hàng rào biên giới và một hệ thống cho phép thương mại biên giới diễn ra mà cần ít hoặc không cần sự tiếp xúc của con người. 

Theo đó, xe tải từ Myanmar phải dừng lại ở biên giới Trung Quốc. Hàng hóa sau đó phải được vệ sinh và lưu trữ ở phía Myanmar trong vòng 48 giờ. Tiếp đến, robot và cần cẩu sẽ chuyển hàng lên xe tải của phía Trung Quốc. Sau khi được đưa vào Trung Quốc, hàng hóa tiếp tục được vệ sinh lại và lưu giữ trong 24 giờ trước khi được thông quan. Tuy nhiên, nhiều ý kiến ​​chỉ trích rằng phương pháp này làm tăng đáng kể thời gian thông quan và gây khó khăn cho thương mại do một số thực phẩm tươi sống bị thối rữa. 

Các hàng rào mới và các biện pháp kiểm soát khác dường như sẽ thay đổi vĩnh viễn các mối quan hệ giữa nhiều cộng đồng dọc theo biên giới Trung Quốc và các nước láng giềng. 

Ông David Brenner, giảng viên Đại học Sussex và là tác giả của một cuốn sách về biên giới Myanmar cho biết, Trung Quốc đã cố gắng kiểm soát biên giới của họ với Myanmar trong nhiều năm để hạn chế các hoạt động như buôn lậu và buôn bán ma túy.

Ông nói: “Covid-19 có thể là lời biện minh chính thức mà Trung Quốc đang đưa ra để xây dựng vùng đệm. Nhưng ý định đó đã bắt đầu từ rất lâu trước đó và sẽ chi phối mọi thứ rất lâu [ngay cả] sau khi đại dịch kết thúc.”