Mới đây chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa ký sắc lệnh có hiệu lực từ ngày 15/6, theo đó cho phép mở rộng hoạt động quân sự “phi chiến tranh” ở nước ngoài của Bắc Kinh.

Mặc dù Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tuyên bố “các hoạt động quân sự phi chiến tranh” có thể bao gồm bảo vệ quyền và lợi ích của Trung Quốc ở nước ngoài, cứu trợ thiên tai, gìn giữ hòa bình quốc tế v.v nhưng giới quan sát đặc biệt lưu ý đến khả năng Bắc Kinh sử dụng cơ sở pháp lý này để biện minh cho các cuộc can thiệp vũ trang.

Theo một số chuyên gia, chính sách mới của Bắc Kinh có điểm giống với chính sách của Nga được đưa ra cách đây ít tháng, cho phép quân đội tiến hành các ‘‘chiến dịch quân sự đặc biệt’’ ở nước ngoài, mà không tuyên bố chiến tranh. Ví dụ cụ thể là chiến sự tại Ukraine của Nga bị cộng đồng quốc tế lên án là “cuộc xâm lược”, nhưng Nga kiên quyết khẳng định đây chỉ là “chiến dịch quân sự đặc biệt”.

Ngoài ra, mới đây, Trung Quốc ký thỏa thuận an ninh với Quần đảo Solomon. Chính sách mới này có thể tạo cơ sở pháp lý’ để Trung Quốc can thiệp quân sự tại quốc đảo.

Còn nhà phân tích độc lập Wu Qiang, ở Bắc Kinh lo ngại rằng, ĐCSTQ có thể lợi dụng chính sách này để “can thiệp quân sự” về vấn đề Đài Loan trong tương lai và coi đó là một hoạt động “phi chiến tranh”.

Phân tích về động thái này, Tiến sĩ Satoru Nagao tại Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ chia sẻ với tờ Thanh Niên, Trung Quốc đã mở rộng lãnh thổ của mình bằng cách sử dụng cái gọi là “hoạt động quân sự phi chiến tranh”.

Ví dụ, khi bắt đầu xây dựng hạ tầng ở các đảo nhân tạo tại Biển Đông, Trung Quốc tuyên bố các đảo này không nhằm mục đích quân sự, thay vào đó, chúng hữu ích cho việc cứu hộ. Tuy nhiên, sau đó Trung Quốc đã triển khai tên lửa trên quần đảo này. Như vậy dùng cái cớ ‘hoạt động quân sự phi chiến tranh’, Bắc Kinh đã có thời gian xây dựng một pháo đài quân sự.

Ngoài ra, Tiến Sĩ Nagao dẫn chứng thêm, một ví dụ khác là nghề cá. Trung Quốc đã đưa nhiều tàu đánh cá đến khu vực biển tranh chấp ở Biển Đông. Nếu các nước Đông Nam Á cố gắng ngăn chặn đánh bắt bất hợp pháp, thì Bắc Kinh sẽ cử các tàu hải cảnh giải cứu và gây sức ép với tàu tuần duyên, cảnh sát biển các nước khác. Cuối cùng, Trung Quốc đã kiểm soát vùng biển này và tuyên bố khu vực này là lãnh hải của họ.

Ông kết luận: “Từ những sự cố như vậy, ‘hoạt động quân sự phi chiến tranh’ có thể là một cách để mở rộng lãnh thổ của Trung Quốc”.

Ngọc Mai (tổng hợp)

Xem thêm: