Hầu hết những người nhiễm COVID-19 đều khoẻ hơn trong vòng vài tuần. Tuy nhiên, Tổ chức y tế Thế giới WHO cho biết, có khoảng 10 – 20% số người biểu hiện triệu chứng hậu COVID-19. Một loạt các vấn đề về sức khoẻ kéo dài lên tới 4 tuần hoặc hơn nữa sau khi nhiễm virus. Nhiều người cảm thấy lo sợ bởi chứng hậu COVID này không rõ ràng.

CDC Hoa Kỳ và các chuyên gia trên khắp thế giới đang nghiên cứu để tìm hiểu thêm về các tác động sức khỏe ngắn hạn và dài hạn liên quan đến COVID-19, ai mắc phải và tại sao? Còn bây giờ mời quý vị tìm hiểu hậu COVID là gì? Hậu COVID có thực sự đáng sợ hay không?

Các triệu chứng biểu hiện hậu COVID-19

Một số người sau khi khỏi COVID-19 thì vẫn có một loạt triệu chứng có thể kéo dài vài tuần hoặc vài tháng. Hậu COVID có thể xảy ra với bất cứ ai đã từng bị nhiễm virus, ngay cả với người ban đầu bị bệnh nhẹ hoặc không biểu hiện triệu chứng gì. Các triệu chứng thường gặp bao gồm:

  • Khó thở hoặc thở gấp hoặc mệt mỏi, tăng lên sau các hoạt động gắng sức.
  • Khó tập trung, giảm chú ý (được gọi là “sương mù não”)
  • Ho
  • Đau ngực hoặc đau dạ dày
  • Đau đầu
  • Tim đập nhanh hoặc đập mạnh
  • Đau khớp hoặc cơ
  • Cảm giác kim châm
  • Bệnh tiêu chảy
  • Các vấn đề về giấc ngủ
  • Sốt
  • Chóng mặt khi đứng (lâng lâng)
  • Phát ban
  • Thay đổi tâm trạng
  • Thay đổi mùi hoặc vị
  • Thay đổi chu kỳ kinh nguyệt

Ngoài ra, một số người bị COVID-19 nặng sẽ ảnh hưởng tới đa cơ quan như tim, phổi, thận, da, não hoặc gặp tình trạng tự miễn dịch, với các triệu chứng kéo dài hàng tuần hoặc vài tháng sau.

Tình trạng tự miễn dịch xảy ra khi hệ thống miễn dịch của bạn mắc lỗi và tấn công nhầm các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể, gây viêm (sưng) hoặc tổn thương mô.

Tổn thương nội tạng do COVID-19 gây ra

Ban đầu COVID-19 được xem là căn bệnh ảnh hưởng chủ yếu tới phổi, tuy nhiên sau đó các chuyên gia phát hiện nó cũng có thể gây tổn hại đến nhiều cơ quan khác như tim, thận, não.

Tổn thương nội tạng có thể dẫn đến các biến chứng sức khỏe kéo dài sau khi bị bệnh COVID-19. Một số bệnh nhân có các vấn đề hô hấp lâu dài, biến chứng tim, suy thận mãn tính, đột quỵ và hội chứng Guillain-Barre – một tình trạng gây tê liệt tạm thời.

Cục máu đông và các vấn đề về mạch máu

COVID-19 có thể làm cho các tế bào máu dễ tụ lại và hình thành cục máu đông. Phần lớn các tổn thương tim do COVID-19 gây ra được cho là xuất phát từ các cục máu đông rất nhỏ làm tắc nghẽn các mạch máu nhỏ (mao mạch) trong cơ tim.

Các bộ phận khác của cơ thể bị ảnh hưởng bởi cục máu đông bao gồm phổi, chân, gan và thận. COVID-19 cũng có thể làm suy yếu các mạch máu và khiến chúng dễ bị rò rỉ, góp phần gây ra các vấn đề tiềm ẩn về gan và thận lâu dài.

Các vấn đề về tâm trạng, mệt mỏi

Những người nhiễm COVID-19 nặng, đặc biệt là người phải nằm trong ICU, sau khi hồi phục, một số người có khả năng mắc hội chứng căng thẳng sau chấn thương, hoặc có biểu hiện trầm cảm và lo âu.

Vì rất khó dự đoán tác động lâu dài từ chủng virus Corona mới, các nhà khoa học đang xem xét những tác động lâu dài ở các virus liên quan, như virus đã gây ra hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS).

Nhiều người khỏi bệnh SARS đã tiếp tục phát triển hội chứng mệt mỏi mãn tính – một chứng rối loạn phức tạp đặc trưng bởi tình trạng mệt mỏi cực độ, trầm trọng hơn khi hoạt động thể chất hoặc tinh thần, nhưng lại không cải thiện khi nghỉ ngơi. Điều này cũng có thể đúng đối với những người đã nhiễm COVID-19 .

Mới đây một nghiên cứu của Tiến sĩ Yan-Jiang Wang, chuyên gia tại Bệnh viện Daping ở Trùng Khánh, Trung Quốc được đăng trên tạp chí y khoa JAMA Neurology cho thấy, trong gần 1.500 người từ 60 tuổi trở lên đã nhập viện vì COVID-19 ở Vũ Hán, Trung Quốc thì có 260 người bị COVID-19 nặng. Trong đó, có khoảng 15% người nhiễm COVID-19 nặng bị sa sút trí tuệ sau khi xuất viện một năm, và khoảng 26% bị suy giảm nhận thức nhẹ.

Đây chỉ là nghiên cứu bổ sung cho thấy những thay đổi đối với tâm thần người nhiễm COVID-19. Các nhà nghiên cứu cho rằng, hậu quả lâu dài của COVID-19 đối với vấn đề tâm thần vẫn chưa rõ ràng.

Trẻ em và thanh thiếu niên trong hậu COVID-19

Mặc dù rất hiếm, nhưng một tỉ lệ nhỏ, chủ yếu là trẻ em, gặp phải Hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) trong hoặc ngay sau khi nhiễm COVID-19. Hội chứng này xảy ra do rối loạn đáp ứng miễn dịch, với các biểu hiện như sốt cao kéo dài, nổi ban đỏ, rối loạn tiêu hóa, khó thở, li bì.

Tình trạng hậu COVID ít phổ biến hơn ở trẻ em so với người lớn. Tuy nhiên không phải là không có. Đã có nghiên cứu báo cáo các triệu chứng kéo dài ở trẻ em bị COVID-19 nhẹ và nặng, kể cả những trẻ đã từng mắc Hội chứng viêm đa hệ thống. Các triệu chứng hậu Covid được xác nhận gồm mệt mỏi, đau đầu, khó ngủ (hoặc mất ngủ), khó tập trung, đau cơ và khớp, ho kéo dài.

Vì vậy, nếu trẻ có tình trạng hậu COVID ảnh hưởng đến khả năng học tập và thực hiện các hoạt động thông thường, các bậc phụ huynh nên trao đổi với trường học để có biện pháp thích hợp. Ví như, thêm thời gian cho trẻ làm bài kiểm tra, thời gian nghỉ ngơi theo lịch trình, sửa đổi lịch học… Lúc này, ban giám hiệu nhà trường, y tá trường học có thể làm việc với gia đình có trẻ mắc COVID-19 để cung cấp các điều kiện học phù hợp cho trẻ.

Liên hệ với bác sĩ đa khoa

Nếu các triệu chứng kéo dài từ 4 tuần trở lên sau khi nhiễm COVID-19 khiến bạn lo lắng, thì hãy tìm gặp bác sĩ đa khoa để nhận được tư vấn cụ thể.

Bác sĩ sẽ có thể đề xuất một số xét nghiệm để làm rõ vấn đề và loại trừ các bệnh lý có triệu chứng tương tự. Chúng có thể bao gồm:

  • Xét nghiệm máu
  • Kiểm tra huyết áp, nhịp tim
  • Và chụp X-quang ngực

Sau khi đã có đủ tư liệu trong tay, bác sĩ sẽ cho bạn biết cách tự chăm sóc và theo dõi tại nhà. Nếu các triệu chứng ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của bạn, bạn có thể được giới thiệu đến nơi có phục hồi chức năng chuyên khoa.

Trên thực tế vẫn chưa rõ COVID-19 sẽ ảnh hưởng lâu dài đến con người như thế nào. Các nhà nghiên cứu đã khuyến cáo các bác sĩ nên theo dõi chặt chẽ người đã bị COVID-19 để xem các cơ quan của họ hoạt động như thế nào sau khi hồi phục.

Thời gian hồi phục của mỗi người tuỳ vào tình trạng nhiễm bệnh. Do đó, cần lưu ý thêm về chế độ ăn, luyện tập, tinh thần thoải mái là một trong những phương pháp giúp quá trình phục hồi được thuận lợi hơn.

Và cuối cùng để không phải lo lắng về hậu Covid-19, chúng ta vẫn đừng quên các biện pháp phòng tránh như đeo khẩu trang, không tụ tập đông người, rửa tay sát khuẩn thường xuyên.

Nguồn tham khảo: CDC Hoa Kỳ, NHS Anh Quốc, Tạp chí y khoa JAMA Neurology, WHO

Xem thêm:

Từ Khóa: