Việt Nam vẫn xác nhận số ca nhiễm mới hằng ngày từ 8.000 – 9.000 ca. Bộ Y tế đã xem xét các cách thức điều trị mới, mỗi gia đình sẽ trở thành một ‘home care’.

Ngày 13/8, theo Tuổi trẻ, có hơn 152.500 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại các bệnh viện. Trong số này, có hơn 3.700 người trong tình trạng nặng và nguy kịch, trong đó có 20 người đang dùng ECMO.

Hiện đã có 62/63 tỉnh thành của Việt Nam là xác nhận có ca nhiễm. Cao Bằng là tỉnh duy nhất chưa có ca nhiễm nào. 

Theo số liệu từ Bộ Y tế, tính đến 6h ngày 14/8,  tổng số ca tử vong là 5.088. Như vậy, Tp. HCM đang là tâm dịch, tổng số ca tử vong là 4.030 (chiếm tỉ lệ 79.2%). Tiếp đến là Bình Dương là 309 người tử vong (chiếm 6,07%)

Bộ Y tế đã đưa ra chiến lược điều trị mới

Những ngày gần đây, Việt Nam ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh. Tổng số  ca nhiễm hiện là 255.748 ca, số tử vong là 5.088 ca. Bộ Y tế đã đưa ra chiến lược điều trị mới như sau: 

Thứ nhất, áp dụng mô hình bệnh viện tách đôi: Tất cả các bệnh viện đều cần ít nhất 40% giường bệnh để nhận bệnh nhân khi dịch lan rộng.

Thứ hai, áp dụng mô hình điều trị tại cộng đồng. Lý do là khoảng 80% người bệnh có thể điều trị tại nhà, cơ sở dã chiến không phải là bệnh viện.

Thứ ba, áp dụng mô hình điều trị cho bệnh nhân nặng: Bộ Y tế có đề án xây dựng hơn 30 trung tâm hồi sức cấp cứu tích cực. Cứ 2-3 tỉnh có một trung tâm hồi sức tích cực được đầu tư máy móc.

Mỗi gia đình trở thành một ‘home care’

‘Home care’ tức là mô hình chăm sóc bệnh nhân tại nhà đã được xây dựng ở nhiều nước trên thế giới. Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cho biết: Hiện nay số lượng ca nhiễm Covid-19 tăng cao. Do đó, cần thay đổi về chiến lược điều trị nhằm giảm tỷ lệ tử vong và để người bệnh được tiếp cận y tế. Các chuyên gia nhận định mô hình điều trị được tại nhà là một giải pháp tốt, tuy nhiên cũng cần phải áp dụng đúng nơi, đúng chỗ, đúng điều kiện.

Ảnh: Cục quản lý khám chữa bệnh/Bộ Y tế

Theo ông Khuê, vấn đề quan trọng là việc sử dụng thuốc tại gia đình. Mỗi gia đình cần được cấp những “túi thuốc an sinh”. Tăng cường tư vấn cho người dân, cộng đồng để giúp người nhiễm bệnh an tâm, và người trong gia đình được đảm bảo.

Người bệnh cần năng lượng tích cực

Hiện Việt Nam đang trong tình trạng dịch bệnh lan ra nhiều nơi, hệ thống y tế quá tải. Có lẽ rằng, người cầm kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV trên tay không khỏi lo lắng và bối rối. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất lại là phải giữ tinh thần được vững chắc. Người xưa có câu: Bệnh là do 7 phần tinh thần, 3 phần bệnh.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 nói rằng: “Không may thành F0, việc đầu tiên là phải bình tĩnh”.

ThS Nguyễn Thị Hồng Minh, Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM cũng có những chia sẻ như sau:

“Các bạn có biết điều gì bây giờ là quan trọng nhất trong các bệnh viện điều trị F0? Đó chính là năng lượng tích cực. Những cảm xúc tiêu cực hạ gục chúng ta, làm chúng ta rối loạn, làm bệnh tình nặng nề hơn, làm y bác sĩ đuối sức, nó sẽ làm mọi thứ tệ hơn…

Chúng ta có thể giúp gì những người đang là F0? Hãy liên lạc với họ, nói những lời an ủi động viên, gửi cho họ những liều thuốc tinh thần, vì nó là quan trọng nhất bây giờ, mất tinh thần là mất tất cả”.

Mỗi người dân để đối mặt với dịch bệnh, cần có một hệ miễn dịch khoẻ mạnh. Khoa học đã chứng minh luyện tập thể thao, thiền định và khí công có thể giúp sức cho hệ miễn dịch. Quý độc giả có thể tìm hiểu cho mình một môn tập, đồng thời tăng cường ăn uống và giữ tinh thần được vững vàng.