Tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ ngày càng nghiêm trọng. Số người tử vong cũng không ngừng tăng. ‘Cơn bão viêm phổi Vũ Hán’ trong những ngày qua như đang nhấn chìm đất nước đông dân đứng thứ hai thế giới.
Chỉ vỏn vẹn trong ngày 26/4, quốc gia này ghi nhận hơn 319.400 ca mắc mới và hơn 2.700 ca tử vong. Đây là con số tử vong hàng ngày cao nhất từ trước đến nay.
Các bệnh viện vẫn đang ngập tràn bệnh nhân nhân viêm phổi Vũ Hán. Do số ca mắc mới tăng theo cấp số nhân, các bệnh viện đều quá tải. Nhiều hình ảnh ghi nhận được bệnh nhân nguy kịch thở hổn hển trên xe đẩy bên ngoài bệnh viện. Người thân hoảng loạn, tuyệt vọng tìm kiếm trợ giúp trên mạng, tìm giường bệnh và oxy. Nhiều bãi đất trống trở thành nơi hỏa táng tập thể. Kênh truyền hình NDTV đã phát đi hình ảnh 3 nhân viên y tế bang Bihar kéo một thi thể dọc theo mặt đất trên đường đi hỏa táng.

Bệnh viện Gorakhpur quyết định rút máy thở của 3 bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán cao tuổi để nhường cơ hội sống cho người trẻ. Đây thực sự là thảm họa y tế, khi các bác sĩ phải đưa ra những quyết định đau lòng như vậy. Nhu cầu về oxy đã tăng hơn 20% trên toàn quốc trong vài ngày qua. Tại Delhi, các bệnh viện đang quay cuồng vì tình trạng thiếu oxy trầm trọng, đôi khi nguồn cấp oxy cạn kiệt trong vòng 30 phút, khiến hàng trăm người gặp nguy hiểm. Chính quyền cũng tăng cường vận chuyển oxy bằng tất cả các nguồn lực, đường bộ, đường thủy và hàng không.
Để đối phó với tình trạng thiếu giường bệnh, Ấn Độ đang thúc đẩy các dịch vụ và phác đồ chăm sóc điều trị tại nhà đối với các ca bệnh nhẹ hoặc vừa. Hơn 4.000 toa tàu được trang bị thêm thành các đơn vị cách ly với sức chứa 64.000 giường. Hiện các toa tàu này được bố trí tại 9 ga đường sắt lớn ở các bang Delhi, Uttar Pradesh, Madhya Pradesh và Maharashtra. Bên cạnh đó, người dân được phép tiếp cận các cơ sở y tế quân đội. Chuyên gia cũng yêu cầu người dân đeo khẩu trang tại nhà để chấm dứt tình trạng lây lan.
Nhiều bang tại Ấn Độ cũng đã áp dụng các biện pháp khóa nghiêm ngặt để hạn chế lây nhiễm. Karnataka đã thông báo đóng cửa trong 14 ngày bắt đầu từ hôm nay 27/4. Chính phủ yêu cầu người dân ở nhà và thực hiện các biện pháp bảo vệ. Việc tiêm chủng đang được đẩy mạnh cho các đối tượng trên 18 tuổi. Chính phủ liên bang không nhập khẩu vaccine nhưng khuyến khích các bang tự nhập khẩu.
Tại sao cuộc khủng hoảng ngày càng tồi tệ ở Ấn Độ?
Các chuyên gia cho rằng, đó là sự kết hợp của nhiều yếu tố trong những tháng qua: Gồm biến thể, chính trị và vaccine. Biến thể B1617 chứa đột biến kép được cho là đã thúc đẩy làn sóng dịch thứ hai tại đất nước 1,4 tỷ dân này. Bên cạnh đó, biến thể Anh B117 cũng đang trở nên phổ biến, với tỷ lệ lây lan cao hơn 40-70%.
Số ca nhiễm tại Ấn Độ đã giảm mạnh từ tháng 9 năm ngoái nhưng lại tăng đột biến vào tháng 3 năm nay. Đây cũng là lúc nhiều cuộc biểu tình chính trị diễn ra tại Ấn. Hay cuộc tụ họp lớn nhất thế giới, thu hút hàng triệu người hành hương đến bờ sông Hằng trong vài tuần, và có lẽ không thiếu những người mang các biến thể nguy hiểm đang lưu hành.

Không thể không nhắc đến cơ sở hạ tầng y tế yếu kém. Ấn Độ có nhiều bác sĩ và chuyên gia giỏi, nhưng hệ thống y tế được đầu tư kém nhất thế giới, chỉ ở mức hơn 1% GDP, tỷ lệ bác sỹ là 1/1.000 dân, con số này còn thấp hơn nữa ở các vùng nông thôn. Hậu quả là thiếu giường bệnh, người dân tử vong tại nhà, đặc biệt là vùng nông thôn. Con số tử vong thực tế tại Ấn Độ có thể cao hơn rất nhiều do không thống kê được những vùng nông thôn nghèo nàn, hẻo lánh.
Bên cạnh đó, Ấn Độ, dù là đất nước sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, nhưng lại đang gặp khủng hoảng vaccine do thiếu nguyên liệu sản xuất. Và cho dù đã triển khai tiêm phòng nhưng vẫn không khắc chế được đợt dịch lần này. Những gì đang diễn ra tại Ấn Độ là một bài học sâu sắc và là vấn đề nghiêm trọng cho toàn thế giới.
Cả thế giới đang hướng về Ấn Độ
Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia hôm 26/4 cho biết, các quan chức Mỹ đang “làm việc suốt ngày đêm” để triển khai các nguồn lực và vật tư sẵn có để giúp ấn Độ. Hoa Kỳ cũng sẽ gửi phương pháp điều trị, bộ xét nghiệm chẩn đoán nhanh, máy thở và nguyên liệu thô để sản xuất vaccine. Người Mỹ gốc Ấn cũng đang hợp lực để tăng cường viện trợ cho Ấn Độ bằng nguồn cung cấp oxy và các thiết bị y tế, đồng thời thúc đẩy Nhà Trắng làm nhiều hơn cho Ấn Độ.
Cũng trong ngày qua, Đức cam kết sẽ gửi oxy và viện trợ y tế đến Ấn Độ trong vài ngày tới. Pháp cũng hứa sẽ cung cấp viện trợ y tế gồm máy tạo oxy, mặt nạ phòng độc và các thùng chứa chất đông lạnh sẽ bắt đầu đến Ấn Độ vào cuối tuần. Nga cho biết, ngày 1/5, Ấn Độ sẽ nhận được những lô vaccine Sputnik V đầu tiên.
Minh Trí