Trong một cuộc phỏng vấn với EpochTv, ông Steven Mosher, nhà khoa học xã hội kiêm chủ tịch Viện Nghiên cứu Dân số đã liệt kê một số điều mà ông gọi là “vũ khí ma thuật” được ĐCSTQ sử dụng. Những vũ khí này gồm có: Tuyên truyền, Chiến thuật mặt trận thống nhất và Quân đội Trung Quốc.
Ông phân tích “Các chiến thuật của mặt trận thống nhất, và các nỗ lực tuyên truyền luôn đi trước các hành động quân sự. Trong một số trường hợp, chúng làm cho các hành động quân sự trở nên không cần thiết”.
Theo ông Mosher, khái niệm “vũ khí ma thuật” được phát minh bởi cựu lãnh đạo ĐCSTQ Mao Trạch Đông và được Đảng này sử dụng thành công trong cuộc Nội chiến Trung Quốc giữa Quốc Dân Đảng do Tưởng Giới Thạch lãnh đạo và Đảng Cộng sản của Mao Trạch Đông.
Cuộc chiến này kéo dài liên tục từ năm 1927 đến năm 1949, và kẻ chiến thắng là ĐCSTQ. Trong cuộc chiến này, ĐCSTQ luôn tiến lên phía trước — không phải về mặt quân sự, mà bằng cách sử dụng tuyên truyền rầm rộ, theo đó họ thêu dệt các câu chuyện có lợi cho mình, làm suy yếu phe đối lập ở các khu vực v.v. Tiếp theo, ĐCSTQ tiếp quản các tổ chức chính trị và thực thể theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc bằng các chiến thuật mặt trận thống nhất.
Sau khi giành chiến thắng cơ bản bằng cách tuyên truyền và sử dụng mặt trận thống nhất, ĐCSTQ mới áp dụng “vũ khí” cuối cùng là hành động quân sự.
Điều đáng chú ý là: vài năm trước, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã nói về ba loại vũ khí này theo thứ tự tương tự.

Vị chuyên gia này đánh giá: mặc dù việc Trung Quốc xây dựng quân đội là điều đáng sợ, tuy nhiên hai chiến lược tuyên truyền và mặt trận thống nhất còn quan trọng hơn và đứng trước cả quân đội.
Phân tích cụ thể tình hình Trung Quốc tuyên truyền tại Mỹ, ông Mosher nêu ra một vài ví dụ.
Một trong những cánh tay tuyên truyền hiệu quả của Đảng Cộng sản Trung Quốc trên đất Mỹ là một đài phát thanh nằm gần thủ đô Washington, phát sóng tin tức 24/7 cho khán giả là các công dân trong hoặc xung quanh thủ đô. Do Hoa Kỳ không có đài phát thanh tuyên truyền tương tự ở thủ đô của Trung Quốc, nên theo ông Mosher, đây là một nỗ lực tuyên truyền một chiều của chính phủ TQ.
Ngoài ra, Trung Quốc còn đặt quảng cáo trong các ấn phẩm lớn tại Mỹ. Hồ sơ của Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ cho thấy: trong 4 năm từ năm 2016-2020, tờ báo thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc China Daily đã trả cho các nhà xuất bản Hoa Kỳ (bao gồm cả Washington Post, Wall street Journal v.v) gần 19 triệu đô la cho việc quảng cáo và in ấn.
Ở phương diện “mặt trận thống nhất”, một trong những chiến thuật được ĐCSTQ áp dụng là thành lập các Viện Khổng Tử trong các tổ chức học thuật ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới.
Từ năm 2004, hơn 100 Viện Khổng Tử đã được khai trương tại các trường đại học trên khắp Hoa Kỳ, mặc dù con số này đã giảm dần trong những năm gần đây. Ông Mike Pompeo, cựu ngoại trưởng Mỹ từng cáo buộc các Viện Khổng Tử của Trung Quốc là các tổ chức tuyển dụng “gián điệp và cộng tác viên” tại các trường đại học ở Mỹ.
Theo một báo cáo của Hiệp hội Học giả Quốc gia Trung Quốc, nhiều Viện Khổng Tử được biên chế và tài trợ bởi Bộ Giáo dục Trung Quốc. Các tổ chức này phải tuân thủ luật pháp Trung Quốc. Các giáo viên người Trung phải chịu trách nhiệm trước chính phủ nước nhà, do đó chịu áp lực phải né tránh những “lằn ranh đỏ” của Trung Quốc như cuộc đàn áp Pháp Luân Công, hay về tội ác diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ, tự do của Đài Loan, hoặc sự áp bức ở Tây Tạng v.v

Đây chỉ là một vài ví dụ trong số các chiến lược thâm nhập và gây ảnh hưởng đối với Hoa Kỳ của ĐCSTQ. Ông Mosher cho rằng, hai vũ khí đầu tiên này đặc biệt dễ gây ảnh hướng với một xã hội tự do [như nước Mỹ], nơi cho phép tự do thông tin, tự do ngôn luận, tự do biểu tình v.v
Ông nói “Nếu bạn thua trận chiến giành được trái tim và tâm trí của mọi người, nếu bạn mất quyền kiểm soát một số thể chế lớn của mình tại một quốc gia tự do như Hoa Kỳ, thì vũ khí ma thuật thứ ba [quân đội Trung Quốc] gần như không cần thiết bởi vì bạn đã đầu hàng, [giao] tư tưởng của bạn và thể chế của bạn cho ĐCSTQ. Đó là một trận chiến mà vào thời điểm hiện tại, chúng ta không được trang bị tốt để chiến đấu.”
Ông Mosher cũng phân tích, Bắc Kinh coi những cuộc thảo luận chính xác về lịch sử và hệ tư tưởng của ĐCSTQ là mối đe dọa đối với sự cai trị của chính quyền này.
Vào thời điểm diễn ra các cuộc biểu tình ở Thiên An Môn năm 1989, một thế hệ người Trung Quốc mới đã vỡ mộng về ĐCSTQ. Họ cũng vỡ mộng vì Cách mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông đã phá hủy văn hóa và quan điểm truyền thống của dân tộc Trung Hoa.
Bắt đầu từ những năm 90, hàng triệu người đã thoái xuất khỏi ĐCSTQ. Để duy trì sự thống trị và tránh khỏi sụp đổ, ĐCSTQ đã bắt tay vào một chiến dịch giáo dục quốc gia tại các trường học, từ mẫu giáo đến đại học, dạy dỗ học sinh về lòng yêu ĐCSTQ dưới vỏ bọc “lòng yêu nước”.
Ông Mosher nói, ĐCSTQ ngày càng tiến tới sự kiểm soát độc tài đối với Trung Quốc và tiếp tục làm như vậy cho đến ngày nay. Chính quyền Trung Quốc đã sử dụng “[công nghệ] trí tuệ nhân tạo để theo dõi mọi người, cũng như hành động, suy nghĩ của họ… với mục tiêu cố gắng kiểm soát từng tư tưởng [của mỗi người]”.
Trong số 20 thành phố có mật độ camera giám sát tính theo đầu người cao nhất trên thế giới thì hơn một nửa là các thành phố ở Trung Quốc. Ngoài ra, ĐCSTQ cũng đã giám sát nghiêm ngặt 24/7 trên mạng xã hội, bất cứ quan điểm, bình luận nào trái với lý tưởng và tuyên truyền của ĐCSTQ đều nhanh chóng bị xóa bỏ hoặc phản bác.