Trong thập niên qua, Trung Quốc đã mở rộng ảnh hưởng của mình với các quốc gia đang phát triển, thông qua việc cho vay 1000 tỷ USD như một phần của sáng kiến ”Vành đai và Con đường”. Tuy nhiên, hoạt động cho vay của Bắc Kinh đã bị chỉ trích là góp phần gây ra khủng hoảng nợ ở những nơi như Sri Lanka và Zambia.
Không chỉ đẩy các nước vào “bẫy nợ”, một số công trình chất lượng thấp của Bắc Kinh còn khiến các quốc gia phải gánh chịu thêm chi phí khắc phục vấn đề.
Ví dụ, gần đây Thời báo Phố Wall đưa tin, từ khi khai trương vào năm 2016, các quan chức đã tìm thấy hơn 17.000 vết nứt trong nhà máy thủy điện Coca Codo Sinclair ở Ecuador. Đồng thời, các sườn đồi xung quanh sông Coca, nơi nhà máy tọa lạc, cũng bị xói lở, gây nguy cơ làm hỏng con đập.
Coca Codo Sinclair là dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất từ trước đến nay ở Ecuador, trị giá 2,7 tỷ USD và phần lớn được tài trợ bởi Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc. Nhà máy này nằm gần một ngọn núi lửa đang hoạt động và do Tập đoàn Thủy điện Trung Quốc (Sinohydro) xây dựng. Công trình này thậm chí quan trọng đối với Bắc Kinh đến mức ông Tập Cận Bình đã đến phát biểu tại lễ khánh thành nhà máy vào năm 2016.
Ông René Ortiz, cựu bộ trưởng năng lượng Ecuador cho biết: “Ngày nay, chúng tôi đang phải chịu đựng vì chất lượng thiết bị và phụ tùng kém” trong các dự án do Trung Quốc xây dựng.
Những sai sót trong các dự án của Trung Quốc
Và không chỉ ở Ecuador, một số dự án do Trung Quốc tài trợ trên khắp thế giới cũng vướng phải những sai sót trong xây dựng.
Tại Pakistan, nhà máy thủy điện Neelum-Jhelum đã bị đóng cửa vào năm ngoái sau khi phát hiện các vết nứt trong đường hầm vận chuyển nước.
Vào tháng 11, ông Tauseef Farooqui, người đứng đầu cơ quan quản lý điện của Pakistan nói rằng, ông lo ngại đường hầm có thể bị sập chỉ 4 năm sau khi nhà máy 969 megawatt đi vào hoạt động. Ông Farooqui cho biết, đó sẽ là một thảm họa đối với quốc gia đang phải vật lộn với giá năng lượng tăng cao. Theo cơ quan quản lý, việc đóng cửa nhà máy Neelum-Jhelum đã khiến Pakistan mất khoảng 44 triệu USD mỗi tháng do chi phí điện cao hơn.
Còn tại Uganda, giới chức cho biết họ xác định được hơn 500 lỗi xây dựng trong Nhà máy thủy điện Isimba do Trung Quốc xây dựng trên sông Nile. Cơ sở này có công suất 183 megawatt do Tập đoàn Điện & Nước Quốc tế Trung Quốc chịu trách nhiệm xây dựng.
Ở Angola, Tập đoàn CITIC của Trung Quốc đã xây dựng dự án nhà ở xã hội Kilamba Kiaxi gần thủ đô Luanda. Sau chỉ 10 năm, cư dân trong các tòa nhà đang phàn nàn về tình trạng tường nứt nẻ, trần nhà mốc meo và chất lượng xây dựng kém.
“Tòa nhà của chúng tôi có rất nhiều vết nứt,” cô Aida Francisco, một cư dân sống ở Kilamba cho biết.
Cô nói: “Nếu bạn nhìn những tòa nhà này, chúng sẽ không tồn tại được lâu. Chúng đang sụp đổ từng chút một.”
Phá hủy thiên nhiên
Trở lại với con đập Coca Codo Sinclair ở Ecuador. Vào năm 2020, sườn sông Coca bắt đầu sụp đổ do xói mòn, gây rung chuyển mặt đất và tạo ra những tiếng động lớn.
Theo cơ quan nhà nước của Ecuador, xói mòn là hiện tượng tự nhiên ở một khu vực dễ bị thiên tai. Tuy nhiên một số nhà địa chất cho rằng chính nhà máy Coca Codo Sinclair, với cấu trúc bê tông đã làm gián đoạn dòng chảy tự nhiên của dòng sông và sự tích tụ trầm tích.
Carolina Bernal, một nhà địa chất tại Trường Bách khoa Quốc gia cho biết: “Xói mòn là một quá trình thường xảy ra trong hàng nghìn hoặc hàng triệu năm, nhưng con đập đã đẩy nhanh quá trình đó chỉ trong 5 năm”.
Theo Wall Street Journal
Xem thêm: