Hàng nội địa bị đứt gãy do các quy định kiểm soát, phong tỏa phòng dịch, khiến các thương lái phải chuyển sang nhập hàng Trung Quốc.
Theo ghi nhận của báo Thanh Niên, tại chợ đầu mối Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội – nơi cung ứng nông sản cho Hà Nội và các tỉnh phía bắc, các thương lái thừa nhận nhiều hàng nhập từ Trung Quốc. Rau quả Trung Quốc về chợ ồ ạt khiến giá sản phẩm cùng loại trong nước giảm mạnh.
Ông Nguyễn Văn Hồng, thương lái kinh doanh tại chợ này, cũng cho hay tỉ lệ rau củ quả của Trung Quốc năm nay áp đảo rõ ràng hàng nội địa. Ông nói: “Rau củ Trung Quốc hiện giờ chiếm tới khoảng 70% trong các quầy hàng, chỉ có 30% là hàng nội địa”.
Trong thời gian bùng dịch vừa qua, có nhiều thông tin nông sản một số khu vực miền Nam phải đổ bỏ vì bị ảnh hưởng bởi lệnh giãn cách. Nhiều chợ đầu mối tại Tp. HCM ngừng hoạt động khiến cho nguồn cung ra bắc bị đứt đoạn, vô tình tạo ra cơ hội cho hàng Trung Quốc tràn nhiều vào thị trường ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung.
Số liệu của Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan công bố ngày 14/9 cho thấy hàng rau quả tháng 8 nhập từ Trung Quốc là 34,996 triệu USD và sau 8 tháng tăng lên là 271,6 triệu USD. Chiều xuất khẩu ngược lại, gần 2 tháng qua, nhiều mặt hàng rau quả của Việt Nam liên tục bị gây khó dễ vì cơ chế kiểm dịch của TQ, mà mới đây là mặt hàng thanh long bị dừng nhập khẩu qua TQ.
Bộ Công thương cũng thừa nhận việc thông thương các mặt hàng nông, thủy sản với Trung Quốc thời gian gần đây gặp khá nhiều bất lợi. Vì chính quyền nước láng giềng liên tục tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.
Bộ cũng khuyên các doanh nghiệp nông sản như thanh long, dưa hấu… nên tìm hiểu cách tiêu thụ hơn 100.000 tấn vải thiều suôn sẻ của Bắc Giang, Hải Dương. Đẩy mạnh quảng bá trên sàn thương mại điện tử lớn. Đồng thời có hợp đồng với các điều khoản chặt chẽ về quy cách hàng hóa, điều kiện giao hàng.