Mỹ, Anh và Úc sẽ thiết lập quan hệ đối tác quân sự ba bên. Giúp Úc công nghệ và khả năng triển khai các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Hôm 16/9, Reuters đưa tin, Mỹ, Anh và Úc hai ngày trước đã thiết lập quan hệ đối tác an ninh cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Các quan chức Mỹ nói rằng Washington và các đồng minh đang tìm cách kìm hãm sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng tăng trong khu vực này của Trung Quốc.

Theo thỏa thuận, Mỹ sẽ cung cấp cho Úc công nghệ và khả năng triển khai các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Các tàu này sẽ được Anh và Mỹ chung sức sản xuất tại Anh. 2 nước này nhấn mạnh rằng đây không phải vũ khí hạt nhân, mà nó sẽ cho phép hải quân Úc hoạt động bí mật hơn, trong thời gian dài hơn, và cung cấp khả năng răn đe trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Phản ứng lại việc này, Đại sứ quán TQ ở Washington nói rằng các nước này nên “rũ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh”.

Cũng trong ngày 14/9, Dự thảo tài liệu chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương công bố bởi Nikkei Asia cho thấy, EU cũng muốn xây dựng tầm ảnh hưởng ở châu Á. Họ sẽ tìm kiếm quan hệ đối tác kỹ thuật số mới với Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore, đồng thời hướng đến quan hệ thương mại và đầu tư chặt chẽ hơn với Đài Loan.

Cũng liên quan đến quan hệ đối tác của phương Tây với các nước trong khu vực

Ngày 15/9, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, ông Vương Nghị đã chỉ trích ý tưởng đưa Hàn Quốc tham gia vào liên minh tình báo Ngũ Nhãn do Mỹ dẫn đầu. Phát biểu sau cuộc gặp với người đồng cấp Hàn Quốc tại Seoul, Ông Vương gọi liên minh này là sản phẩm của thời kỳ Chiến tranh Lạnh và đã lỗi thời.

Nhận xét của quan chức ngoại giao hàng đầu TQ được đưa ra trong bối cảnh Hạ viện Mỹ đang soạn thảo dự luật kêu gọi chính quyền Biden xem xét mở rộng nhóm Ngũ nhãn (hiện gồm Mỹ, Australia, Anh, Canada và New Zealand).

Ngoại trưởng Vương cũng kêu gọi tăng cường mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc, nói rằng hai bên là “những nước láng giềng gần gũi không thể rời xa nhau và các đối tác không thể từ bỏ nhau”.

Ngoại giới cho rằng Hàn Quốc ngày càng trở nên quan trọng trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc. Còn Seoul coi Bắc Kinh là tác nhân cần thiết trong nỗ lực phi hạt nhân hóa Triều Tiên.