Tuần trước, một phiên điều trần về vi phạm nhân quyền trong ngành khai thác mỏ ở Congo đã diễn ra tại Mỹ. Dân biểu Christopher Smith, người chủ trì phiên điều trần cho biết, Trung Quốc đã khai thác nguồn tài nguyên Coban rộng lớn của Congo để thúc đẩy nền kinh tế và chương trình nghị sự toàn cầu của họ.
Vị dân biểu ước tính, có khoảng 40.000 trẻ em ở Congo phải làm việc vất vả trong các mỏ khai thác với điều kiện nguy hiểm, trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh khai thác Coban và lithium ở quốc gia có diện tích lớn thứ hai ở châu Phi.
Congo sản xuất hơn 70% lượng coban trên thế giới, trong đó từ 15% đến 30% được sản xuất tại các mỏ thủ công. Trong nhiều năm, những hoạt động khai thác này đã bị cáo buộc về vi phạm nhân quyền.
Luật sư dân quyền của Congo Hervé Diakiese Kyungu đã làm chứng tại phiên điều trần rằng, các mỏ thủ công này thực chất chỉ là những chiếc hố chật hẹp được đào xuống đất. Trẻ em phải dùng dụng cụ thô sơ hoặc tay để đào và không có thiết bị bảo vệ khi làm việc trong mỏ. Chúng phải tiếp xúc với các chất phóng xạ, bị thương hoặc mắc bệnh khi làm việc.

Ông Rigobert Minani Bihuzo, một linh mục Công giáo cũng đã làm chứng về tình trạng nguy hiểm khi làm việc tại các khu mỏ.
Ông cho biết, lũ trẻ phải làm việc 7 ngày 1 tuần, và hơn 12 giờ một ngày. Chúng phải làm việc như những nô lệ. Ông nói rằng, chấn thương khi làm việc là điều phổ biến và việc thiếu chăm sóc y tế có nghĩa là hầu hết [trẻ em làm việc trong hầm mỏ] sẽ chết vì không được điều trị các bệnh khác nhau.
Theo Globe and Mail, tính đến năm 2019, Trung Quốc nhập khẩu 83% coban và 9% đồng và hợp kim đồng tinh chế từ Congo. Các công ty Trung Quốc được cho là kiểm soát phần lớn các dự án và sản lượng khai thác đồng và coban ở quốc gia châu Phi này.
Theo NCregister
Xem thêm: