Chính quyền Hà Nội biết sau ngày 6/9, thành phố sẽ phân 3 vùng tuỳ theo nguy cơ để áp dụng các giãn cách khác nhau, và sử dụng mẫu giấy đi đường mới.
Công an Hà Nội đưa ra quy trình dự kiến về việc cấp giấy đi đường mới có mã QR cho các nhóm khác nhau.
Đối với cá nhân: Liên hệ với công an xã, phường hoặc thông qua cảnh sát khu vực nơi cư trú, sẽ được hướng dẫn cách làm hồ sơ. Chờ xét duyệt từ công an xã, phường, kết quả sẽ được nhận qua email. Nhận giấy đi đường thông qua cảnh sát khu vực.
Đối với tổ chức thực hiện nhiệm vụ công: Liên hệ gửi hồ sơ cấp giấy đi đường về cơ quan chủ quản có liên quan (Ví dụ, Sở Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng…) để chờ xét duyệt qua email. Sau đó, các tổ chức được hướng dẫn gửi hồ sơ về Công an Thành phố chờ đóng dấu. Giấy đi đường sẽ được chuyển về cơ quan chủ quản, sau đó mới chuyển cho các tổ chức.
Cuối cùng là quy trình cấp thẻ đi chợ, siêu thị: Cảnh sát khu vực lập danh sách các hộ gia đình theo địa bàn quản lý và gửi lên UBND xã, phường để họ xét duyệt hoặc từ chối. Sau đó, Công an xã, phường đóng dấu xác nhận. Cảnh sát khu vực gửi lại thẻ đi chợ đã được đóng dấu cho đại diện hộ gia đình.
Cũng tại Hà Nội, đề xuất thí điểm ‘thẻ thông hành xanh’ để khôi phục du lịch
Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) đã đề xuất Chính phủ cấp miễn phí Thẻ thông hành xanh để chứng nhận an toàn dịch bệnh. Đây là chìa khóa để mở cửa lại nền kinh tế.
Theo TAB, “Thẻ thông hành xanh Việt Nam” thay cho cách gọi “Hộ chiếu vaccine” sẽ được sử dụng cho cả đi lại trong và ngoài nước.
Loại thẻ này sẽ tích hợp 3 loại thông tin là: định danh cá nhân; hộ chiếu (nếu có) và thông tin y tế phòng dịch Covid-19, bao gồm: Chứng nhận tiêm chủng vaccine, chứng nhận xét nghiệm Covid-19, chứng nhận phục hồi (âm tính) sau khi nhiễm Covid-19.
Thẻ có thể hiển thị mã QR trên điện thoại thông minh hoặc in trên giấy. Mã QR hiển thị màu xanh, vàng, đỏ tương ứng lần lượt với cho phép, cho phép có hạn chế và không cho phép khi đến một địa điểm hoặc sử dụng một số dịch vụ, dựa trên quy định của Bộ Y tế.