Quốc hội Litva đã thông qua một sửa đổi luật, đặt cơ sở pháp lý cho việc thành lập các văn phòng đại diện kinh tế và thương mại ở những quốc gia không có các tổ chức ngoại giao chính thức, ví như Đài Loan.

Vào ngày 29/9, bà Ausrne Armonaite, chủ tịch Đảng Tự do và Bộ trưởng Kinh tế và Đổi mới của Litva, nói rõ mục đích của luật sửa đổi là để tận dụng những cơ hội chưa được khai thác ở thị trường Đông Á và Đông Nam Á.

Litva cho phép sửa đổi luật trong bối cảnh khu vực này đang gặp sức ép lớn từ Trung Quốc. Quốc gia Đông Âu đã cho phép Đài Loan mở văn phòng đại diện với tên gọi “Đài Loan”, thay vì sử dụng tên gọi “Đài Bắc” theo Trung Quốc, trên lãnh thổ của mình.

Sự việc này đã khiến Bắc Kinh nổi giận, và cho triệu hồi Đại sứ của mình ở Litva về nước và nhấn mạnh việc làm này gây tổn hại nghiêm trọng tới chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.

Cũng trong ngày 29/9, ông Jeremy Cornforth, phó giám đốc Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT), tức tòa đại sứ Mỹ trên thực tế tại Đài Loan cho biết, Hoa Kỳ vẫn cam kết mở rộng không gian để Đài Loan tham gia vào các tổ chức quốc tế.

Phát biểu tại một hội thảo trực tuyến của Liên Hợp Quốc, ông Cornforth nhấn mạnh Đài Loan sẽ có thể cho thế giới thấy, khả năng sử dụng kỹ năng công nghệ của họ giúp cộng đồng quốc tế giải quyết những thách thức chung như đại dịch như thế nào.

Cũng tại sự kiện này Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan, ông Ngô Chiêu Nhiếp phát biểu rằng Đài Loan là một thành viên “không thể thiếu” của cộng đồng quốc tế.

Ông Ngô nhận định: “Giờ là lúc Liên Hợp Quốc phải hành động để giải quyết việc loại trừ Đài Loan khỏi hệ thống Liên Hợp Quốc một cách bất hợp pháp”.