Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) ông Antonio Guterres hôm 28/3 cho biết, LHQ đang tổ chức “các cuộc đàm phán nghiêm túc” với chính quyền Trung Quốc để tiếp cận khu vực Tân Cương một cách tự do và trực tiếp quan sát điều kiện sống của người Duy Ngô Nhĩ, nhằm xác minh nhóm người theo đạo Hồi này đang bị đàn áp.
Các phát biểu trên được ông Guterres đưa ra trong bối cảnh vấn đề Tân Cương thời gian qua bất ngờ trở thành tâm điểm của giai đoạn căng thẳng mới trong quan hệ giữa phương Tây và Trung Quốc.
Nhiều ý kiến cho rằng, cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ đã diễn dữ dội ra từ hàng chục năm nay, ít nhất là từ những năm 1980, buộc một số lượng lớn người Duy Ngô Nhĩ phải xin tị nạn ở nước ngoài… Nhưng cho đến nay LHQ vẫn còn đang đàm phán với chính quyền TQ để được tiếp cận thực tế. Điều này cho thấy các tổ chức quốc tế như LHQ không thực sự có nhiều trọng lượng đối với TQ, thậm chí ít nhiều đã bị chính quyền nước này thao túng biến chất để làm ngơ trước những xâm phạm nhân quyền và nhiều kế hoạch bành trướng khác.
Bắc Kinh ngày 27/3 đã thông báo áp lệnh trừng phạt hai quan chức Mỹ, một nghị sĩ và một uỷ ban thuộc Hạ viện Canada với cáo buộc “thao túng chính trị, phát tán thông tin sai lệch về tình hình ở Tân Cương và can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc”
Trước đó một ngày, Trung Quốc cũng trừng phạt 4 thực thể và 9 cá nhân tại Anh, trong đó có cựu lãnh đạo đảng Bảo thủ Iain Duncan Smith và Ủy ban Quyền con người của đảng này, cũng với cáo buộc “phát tán thông tin sai lệch về Tân Cương.
Chưa hết, vài ngày trước, khi hãng thời trang H&M của Thụy Điển dừng mua bông của Tân Cương, một làn sóng tẩy tay thương hiệu ở Trung Quốc ồ ạt diễn ra, từ các ngôi sao lớn cho đến giới trẻ trong nước. Các sản phẩm của H&M cũng đã bị bỏ khỏi hầu hết các nền tảng thương mại điện tử lớn ở Trung Quốc như JD, Taobao và Pinduoduo.