Theo Dân Trí, đồ án quy hoạch mà Hà Nội sắp công bố, công trình ở phố cổ cao tối đa 16 m. Đối với khu phố cũ, nhà được phép xây cao từ 4 đến 6 tầng.

Dự kiến, đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử trên sẽ được cơ quan chức năng công bố chính thức sáng 22/3. Một trong những mục tiêu quan trọng của quy hoạch là thực hiện giãn dân khu vực đô thị lõi, giảm khoảng 215.000 người và duy trì dân số trong khoảng 670.000 người từ năm 2030 đến 2050.

Theo bản quy hoạch, khu phố cổ được phép cao từ 3 – 4 tầng (12-16m). (Ảnh: Gettyimages)

Theo bản quy hoạch, khu phố cổ được phép cao từ 3 – 4 tầng (12-16m); khu vực Hồ Gươm và phụ cận được xây công trình cao không quá 16 m. Các khu vực hạn chế phát triển được xây từ 5-7 tầng (20-25m). Tại các khu vực xây dựng công trình cao tầng, TP ưu tiên giảm mật độ xây dựng để bổ sung cây xanh, bãi đỗ xe, công viên…

Không gian đô thị chủ yếu là công trình thấp tầng và cao dần ra xung quanh. (Ảnh: Gettyimages)

Về tổ chức không gian kiến trúc – cảnh quan, thiết kế đô thị dự kiến cho khu nội đô, TP sẽ hướng đến giảm chiều cao các công trình, theo kiểu “lòng chảo”. Tức là không gian đô thị chủ yếu là công trình thấp tầng và cao dần ra xung quanh.

Liên quan đến thị trường bất động sản, mặc dù chịu tác động của dịch bệnh, nhưng từ cuối năm 2020 đến nay, đặc biệt là sau Tết Nguyên Đán, giá đất tại nhiều địa phương giá đất tăng cao một cách bất ngờ, người mua kẻ bán tấp nập qua lại khiến thị trường khu vực đó bỗng dưng lên cơn sốt. Như đã ghi nhận tại: Đà Nẵng, Hà Nội và nhiều tỉnh lân cận, Hải Phòng, Bắc Ninh Bắc Giang. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin cảnh báo rằng đây rất có thể là các mánh phao tin của môi giới, cò đất và có nguy cơ xảy ra bong bóng khủng hoảng. Trước tình trạng đó, có chuyên gia đã đề xuất quy trách nhiệm cho lãnh đạo những địa phương nào để xảy ra sốt đất.