Tính tới ngày 16/3 (giờ Việt Nam), đã có 18 quốc gia châu Âu, 1 quốc gia bên ngoài châu Âu là Indonesia dừng tiêm vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca vì lo ngại nguy cơ có thể gây đông máu và một số tác dụng phụ khác.
Trước tình hình này, các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tổ chức họp khẩn trong ngày 16/3 để đánh giá về độ an toàn của vaccine do AstraZeneca sản xuất.

Ngoài ra, vào ngày 18/3 tới, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cũng sẽ tổ chức phiên họp để đánh giá loại vaccine trên.
Giám đốc điều hành EMA, bà Emer Cooke ngày 16/3 nói rằng, bà “hoàn toàn tin tưởng” vào các tác dụng của vaccine AstraZeneca. Đồng thời khẳng định, EMA đang đánh giá từng vụ việc cụ thể xảy ra với vaccine của AstraZeneca và hi vọng sẽ hoàn thành bản đánh giá trong ngày 18/3 tới.
Đây là loại vaccine mà Việt Nam cũng đang triển khai tiêm chủng mở rộng trên toàn quốc được hơn 1 tuần nay. Tới nay đã có hơn 20.000 người dân ở 12 tỉnh, thành phố đã được tiêm.
Liên quan đến vấn đề 18 quốc gia châu Âu dừng tiêm vaccine trên, GS. Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nói rằng, không riêng vaccine AstraZeneca, hầu hết các loại vaccine khác cũng đều có phản ứng sau tiêm với một tỉ lệ nhất định. Điều quan trọng là theo dõi, đánh giá. Bộ Y tế đã đề nghị tất cả địa phương ghi nhận trường hợp có phản ứng sau tiêm, thành lập hội đồng chuyên môn để đánh giá nguyên nhân.

Tuy vậy, Việt Nam vẫn tiếp tục tiêm vaccine AstraZeneca như kế hoạch. Số lượng vaccine còn lại dự kiến sẽ được tiêm nốt từ nay cho đến cuối tháng Ba.
Cũng liên quan đến vaccine ngừa Covid-19, Nga phản đối một số quốc gia từ chối mua Sputnik V, Thủ tướng Nhật Bản tiêm mũi đầu
Ngày 16/3, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố, việc gây áp lực lên một số quốc gia để ép họ từ chối mua vaccine ngừa Covid-19 Sputnik V của Nga đang ở mức độ chưa từng thấy, nhưng những nỗ lực đó không có cơ hội thành công.