Theo dòng sự kiện về vaccine, chúng ta đã cùng tìm hiểu chủ đề đầu tiên là vaccine Astrazeneca trong bài trước. Chủ đề tiếp theo ngày hôm nay, KTN xin được đưa đến cho quý độc giả một góc nhìn, phân tích sâu hơn về vaccine Trung Quốc.

Đây là một trong những loại vaccine được đăng ký bằng sáng chế sớm nhất và sử dụng nhiều nhất trên thế giới, theo sau chương trình ‘ngoại giao vaccine’ của chính quyền ông Tập Cận Bình. Tuy nhiên, có những nghi vấn đặt ra xung quanh loại vaccine này về thời gian nghiên cứu, về hiệu quả…

Vậy thì, có những vấn đề nào xung quanh vaccine này? Kính mời quý vị cùng tìm hiểu qua các nội dung chính sau đây:

  • Vaccine Trung Quốc là gì?
  • Mức độ hiệu quả, tính an toàn của vaccine Vero Cell là bao nhiêu?
  • WHO khuyến cáo tiêm vaccine Vero Cell cho từng đối tượng như thế nào?
  • Vero Cell có hoạt động chống lại các biến thể mới của Covid-19 không?
  • Vaccine Sinopharm có giá là bao nhiêu?

Chủ đề 2: Vaccine Vero Cell, hãng Sinopharm của Trung Quốc 

Trước hết chúng ta cũng tìm hiểu câu hỏi:

Vaccine Trung Quốc là gì?

Loại vaccine Covid-19 Trung Quốc được Việt Nam cấp phép sử dụng khẩn cấp là Vero Cell, do công ty Sinopharm kết hợp với Viện Virus học Vũ Hán sản xuất. Ngoài ra, còn có thêm vaccine CoronoVac (của hãng dược Sinovac).

Cả hai loại vaccine Trung Quốc kể trên đều đã được WHO cấp phép sử dụng khẩn cấp. Về kỹ thuật sản xuất, chúng là vaccine bất hoạt. Các nhà khoa học đem virus đã được phân lập trong phòng thí nghiệm, sau đó làm cho chúng bất hoạt bằng hóa chất. Virus lúc này đã mất khả năng nhân đôi, nhưng các protein cầu gai bề mặt vẫn còn nguyên, sau đó đưa vào cơ thể người. Các tế bào miễn dịch của cơ thể khi thấy ‘vỏ virus’ này, sẽ tấn công và tạo ra miễn dịch.

Hai loại vaccine Trung Quốc trong danh sách cho phép sử dụng khẩn cấp của WHO.

Đây là phương pháp sản xuất vaccine đầu tiên và lâu đời nhất được áp dụng, đã dùng để sản xuất vaccine ho gà, bệnh dại, thương hàn, tả, cúm,… Loại vaccine bất hoạt cần phải tiêm nhiều liều để tăng sức đề kháng vì cơ thể của chúng ta rất tinh vi, nó biết được cái vỏ virus này ít gây nguy hiểm cho cơ thể nên chỉ tạo ra miễn dịch dịch thể. 

Vaccine bất hoạt thường không tạo ra miễn dịch tế bào như vaccine công nghệ ARN thông tin. Tức là không kích hoạt trí nhớ của hệ miễn dịch thông qua tế bào Lympho T.

Để chiến đấu hiệu quả với virus, cơ thể cần kết hợp cả hai loại phản ứng miễn dịch dịch thể và miễn dịch tế bào. Trong đó, miễn dịch tế bào đóng vai trò cực kỳ quan trọng giúp cơ thể nhanh chóng nhận diện và tiêu diệt virus bằng cơ chế đặc hiệu.

Ảnh: GREG BAKER/AFP via Getty Images

Trong tiến trình phát triển của vaccine, có hai rủi ro nghiêm trọng của vaccine bất hoạt được chú ý tới đó là: quá trình sản xuất đối mặt với những rủi ro lớn về an toàn và hiện tượng tăng cường kháng thể phụ thuộc (ADE).

Để tạo ra vaccine bất hoạt, virus phải được nuôi cấy và sau đó sử dụng hóa chất để tiêu diệt hoặc làm yếu virus. Câu hỏi an toàn lớn nhất đặt ra là liệu có sót lại virus sống hay không. Do đó, mọi mắt xích từ nuôi cấy, bất hoạt đến phát hiện virus đều cần có quy trình giám sát nghiêm ngặt. Nếu virus không bị bất hoạt hoàn toàn thì người tiêm vaccine có thể nhiễm virus, điều này là cực kỳ nguy hiểm.

Một rủi ro nữa ở vaccine bất hoạt mà hiếm gặp ở các công nghệ vaccine khác đó là hiện tượng tăng cường kháng thể phụ thuộc (ADE). Nghĩa là kháng thể được tạo ra không có khả năng trung hòa các chủng virus và không nhận biết được virus hoặc không đủ hiệu giá kháng thể, kết quả là thay vì bảo vệ chúng lại hỗ trợ virus thúc đẩy bệnh nặng lên.

Mức độ hiệu quả của vaccine Vero Cell

Số liệu thử nghiệm lâm sàng pha III của vaccine Trung Quốc khá rắc rối và không rõ ràng. Theo Bác sĩ Huỳnh Wynn Trần, trợ lý giáo sư tại ĐH Y Khoa Bắc California, các dữ liệu trên trang WHO cho thấy, điểm quan trọng nhất là tỷ lệ nhiễm Covid-19 ở các nhóm nghiên cứu lại không được đưa ra. Không có dữ liệu tỷ lệ nhiễm thì rất khó đánh giá hiệu quả thực sự của vaccine.

Đối với dữ liệu của vaccine Sinopharm, được thử nghiệm tại nhiều quốc gia, nhưng lại công bố hiệu quả bằng cách gộp chung các nghiên cứu này lại và cho hiệu quả chung của vaccine là 78,1%.

Vaccine Vero Cell của Sinopharm chỉ thử nghiệm trên khoảng 400 người trên 60 tuổi (Ảnh chụp màn hình)

Một điểm đáng lưu ý là vaccine này chỉ thử nghiệm ở 400 người trên 60 tuổi (trong khoảng 26.000 người). Theo bác sĩ Huỳnh Wynn Trần, Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhóm người cao tuổi, trong khi nghiên cứu trên đối tượng này lại quá ít. Tỷ lệ nam nữ cũng mất cân đối nghiêm trọng, tỷ lệ nam/nữ là 5/1. Có nghĩa là vaccine này chủ yếu thử nghiệm trên đối tượng nam giới trẻ tuổi.

Độ an toàn là bao nhiêu?

Nói đến độ an toàn là nói đến tác dụng phụ. Theo dữ liệu công bố trên WHO, vaccine Trung Quốc là an toàn. Tỷ lệ tác dụng phụ nguy hiểm là khoảng hơn 1ca/1 triệu lượt tiêm tại Trung Quốc, Brazil hay Chile. Bao gồm sốc phản vệ, viêm mạch máu, sưng cổ họng, và xuất huyết não. Số liệu này còn thấp hơn cả các loại vaccine ở Hoa Kỳ với tỷ lệ tác dụng phụ nghiêm trọng từ 2-5 ca/1 triệu lượt tiêm. Xin lưu ý tới quý vị, Hoa Kỳ có hệ thống báo cáo các phản ứng có hại của vaccine công khai, còn tại Trung Quốc thì không.

Một số tác dụng phụ phổ biến của vacxin Vero Cell của Sinopharm có thể kể đến như:

  • Đau, mẩn đỏ, sưng tấy ở vị trí tiêm;
  • Mệt mỏi;
  • Đau đầu, đau cơ;
  • Sốt, ớn lạnh, buồn nôn. 

Để giảm bớt tác dụng phụ khi gặp phải tình trạng này. Người tiêm được khuyến cáo có thể chườm mát tại vị trí tiêm. Uống thật nhiều nước và mặc trang phục nhẹ nhàng để giảm cảm giác khó chịu do sốt. Trong hầu hết các trường hợp những tác dụng phụ sẽ nhanh chóng biến mất. Tuy nhiên, hãy liên hệ với bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất; nếu tình trạng mẩn đỏ, cơn đau gia tăng ở vị trí tiêm sau 24 giờ.

WHO khuyến cáo tiêm vaccine Vero Cell cho từng đối tượng như thế nào?

Trong hướng dẫn của WHO nêu rõ nhóm đối tượng không nên tiêm vaccine Vero Cell là người dưới 18 tuổi. WHO cũng cho biết, dữ liệu hiện có ở phụ nữ mang thai không đủ để đánh giá hiệu quả của vaccine hoặc các rủi ro liên quan đến vaccine trong thai kỳ. Tuy nhiên, tổ chức này vẫn khuyến cáo dùng vaccine này cho phụ nữ mang thai khi lợi ích lớn hơn những rủi ro có thể xảy ra. 

Dữ liệu an toàn được giới hạn cho những người trên 60 tuổi (do chỉ có một số lượng nhỏ người tham gia thử nghiệm lâm sàng). WHO khuyên các quốc gia đang cân nhắc sử dụng vaccine này ở những người trên 60 tuổi nên duy trì giám sát an toàn.

Chú ý an toàn khi tiêm cho người trên 60 tuổi (Ảnh: Raul Sifuentes/Getty Images)

Trong cấp phép khẩn cấp của Việt Nam mới cho phép tiêm vaccine này cho đối tượng trên 18 tuổi. Chúng tôi xin nhắc lại theo hướng dẫn của Bộ Y tế, 3 nhóm người nên trì hoãn tiêm các vaccine Covid-19 gồm:

  • Có tiền sử rõ ràng đã mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng
  • Đang mắc bệnh cấp tính
  • Và phụ nữ mang thai dưới 13 tuần.

Riêng vaccine Sputnik V không được dùng cho phụ nữ có thai.

Vero Cell có hoạt động chống lại các biến thể mới của Covid-19 không?

Theo WHO, vaccine này vẫn chưa được đánh giá trong bối cảnh lưu hành rộng rãi các biến thể đáng lo ngại. Tổ chức Y tế này cam kết sẽ sớm đưa ra lời khuyên cho cộng đồng khi có các kết quả đánh giá vaccine này đối với biến thể Delta nguy hiểm.

Vaccine Sinopharm có giá là bao nhiêu?

Hiện vẫn chưa rõ giá vaccine Vero Cell của tập đoàn Sinopharm là bao nhiêu. Nhưng theo nguồn tin của một công ty quốc doanh tại Indonesia, mức phí khi tiêm vaccine này dao động khoảng 200.000 rupiah, tương đương hơn 310.000 đồng.

Với mức chi phí này, vaccine Trung Quốc có giá cao hơn so với vaccine AstraZeneca có giá 4 đô/liều (khoảng 90 nghìn đồng).

Ảnh: NOEL CELIS/AFP via Getty Images

Vaccine Trung Quốc – Vero Cell của Sinopharm đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại Việt Nam từ ngày 3/6/2021. Chính phủ Trung Quốc tặng Việt Nam khoảng 500.000 liều vaccine và một công ty dược Việt Nam đã đặt mua 5 triệu liều. Vaccine này đã triển khai ở các tỉnh biên giới miền núi phía bắc như Quảng Ninh, Hà Giang, Lào Cai,… và hiện cũng đang tiêm tại TP. HCM cùng với các loại vaccine khác. Theo dữ liệu trên WHO, vaccine này có hiệu quả bảo vệ là 78,2% sau hai mũi tiêm cách nhau từ 3 – 4 tuần, được bảo quản ở nhiệt độ 2 – 8°C. Và chưa có dữ liệu đánh giá hiệu quả trên biến thể Delta. 

Trên đây là những thông tin về vaccine Vero Cell do công ty Sinopharm sản xuất. Hiện tại, việc tiêm chủng vaccine Covid-19 ở Việt Nam là tự nguyện và dựa trên sự tin tưởng, thoải mái từ phía người được tiêm. Chúc quý vị có được sự lựa chọn đúng đắn để bảo vệ sức khỏe, an toàn của bản thân trong mùa dịch.