Hiện tại, đại dịch Covid-19 vẫn đang là mối quan tâm hàng đầu trên thế giới. Các nhà khoa học đang tìm kiếm phương pháp điều trị đặc hiệu. Và hàng loạt vaccine cũng đã được nghiên cứu, sản xuất và cấp phép sử dụng khẩn cấp.
Vaccine Covid-19 đã được triển khai tại nhiều tỉnh thành của Việt Nam. Nhưng vẫn còn khá nhiều người băn khoăn, không biết vaccine đang triển khai tại địa phương là loại nào? Độ an toàn, hiệu quả, cũng như cần đề phòng các tác dụng phụ nghiêm trọng nào của loại vaccine đó?
Vì thế, trong loạt bài về vaccine này, Khoẻ Tự Nhiên (KTN) xin được tổng hợp, chia sẻ các thông tin về từng loại vaccine Covid-19 để giúp độc giả có cái nhìn rõ ràng hơn và có lựa chọn thích hợp cho bản thân. Tính đến thời điểm hiện tại, ngày 11/8/2021, Việt nam đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho 6 loại vaccine Covid-19. Bao gồm:
1. Vaccine AstraZeneca của Anh Quốc
2. Vaccine Gam-COVID-Vac (tên thường gọi là Sputnik V) của Nga
3. Vaccine Vero Cell của Sinopharm, Trung Quốc
4. Vaccine Comirnaty của Pfizer/BioNTech, hợp tác của Mỹ và Đức
5. Vaccine Spikevax (tên gọi khác là Moderna) của Mỹ
6. Vaccine Janssen của Jonhson & Jonhson của Mỹ
Xem nhanh
Chủ đề 1: Vaccine AstraZeneca
Chủ đề ngày hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về vaccine AstraZeneca.
Đây là một vaccine Covid-19 do được sản xuất theo công nghệ của đại học Oxford của Anh, kết hợp hãng dược Astrazeneca. Nó đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại 181 quốc gia, vùng lãnh thổ và được WHO đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp từ ngày 15/2 vừa qua. Đến nay, vaccine này đã được sử dụng tại 119 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng số vaccine đã sử dụng khoảng 980 triệu liều.

Tại Việt Nam, vaccine AstraZeneca đã được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách ứng phó dịch Covid-19. Việt Nam đã tiếp nhận hơn 8 triệu liều sau 15 đợt giao Vaccine. Vaccine AstraZeneca tiêm chủng tại Việt Nam từ tháng 3/2021, và hiện đang có số lượng sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam.
Tổng quan về vaccine AstraZeneca
Trước hết, chúng ta cùng đi qua tổng quan về vaccine AstraZeneca được báo cáo từ nhà sản xuất:
1. Thông tin cơ bản về vaccine AstraZeneca
– Đóng gói ở dạng dung dịch, 5ml/lọ.
– Bảo quản ở nhiệt độ từ 2 – 8°C, không để đóng băng
– Hạn sử dụng của vaccine là 6 tháng kể từ ngày sản xuất
– Sau khi mở, lọ vaccine chỉ sử dụng trong vòng 6 giờ
– Liều lượng, đường tiêm: Liều 0,5ml, tiêm bắp.
– Lịch tiêm: Gồm 2 mũi, cách nhau từ 4 – 12 tuần
– Hiệu lực bảo vệ của vaccine là từ 62 – 90% (theo kết quả nghiên cứu lâm sàng)
2. Chỉ định tiêm phòng
– Người từ 18 tuổi trở lên
– Đối với phụ nữ có thai: Khuyến cáo tiêm khi lợi ích của vaccine vượt trội hơn nguy cơ tiềm ẩn cho mẹ và thai nhi.
– Đối với phụ nữ đang cho con bú: Khuyến cáo tiêm nếu thuộc nhóm đối tượng nguy cơ. Như vậy cần cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ.
– Đối với người nhiễm HIV, suy giảm miễn dịch: Tiêm nếu thuộc nhóm nguy cơ phơi nhiễm hoặc có nguy cơ mắc bệnh nặng. Không cần xét nghiệm HIV trước khi tiêm.
– Người đang nhiễm Covid-19: Tiêm vaccine phòng bệnh sau 6 tháng khỏi bệnh.
– Người đã được điều trị trước đó bằng kháng thể kháng Covid-19 hoặc điều trị immunoglobulin: Tiêm sau 90 ngày.

Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Bộ Y tế Việt Nam, Bộ đã đề cập đến 3 nhóm người bị trì hoãn tiêm ngừa cho tất cả các loại vaccine Covid-19 gồm:
– Có tiền sử đã mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng
– Đang mắc bệnh cấp tính
– Và phụ nữ mang thai dưới 13 tuần
Lưu ý: Bộ Y tế khuyến cáo, cần trì hoãn tiêm với những người suy giảm miễn dịch, ung thư giai đoạn cuối, cắt lách, xơ gan mất bù. Trong vòng 14 ngày trước có điều trị corticoid liều cao (tương đương với prednisolon ≥ 2mg/kg/ngày trong ≥ 7 ngày), hoặc điều trị hoá trị, xạ trị.
3. Chống chỉ định tiêm
– Có tiền sử phản ứng nặng sau lần tiêm chủng vaccine Covid-19 trước đó sẽ không tiêm liều thứ 2
– Quá mẫn với thành phần hoặc bất kỳ tá dược nào có trong thành phần của vaccine
– Có tiền sử phản ứng nặng phản vệ độ 2 trở lên với bất kỳ dị nguyên nào.
4. Phản ứng sau tiêm
– Phản ứng rất phổ biến (≥10%) của vaccine Covid-19 AstraZeneca bao gồm: Đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhạy cảm đau; đau, nóng tại vị trí tiêm; ngứa, mệt mỏi, bồn chồn; sốt, ớn lạnh.
– Phản ứng phổ biến (từ 1% đến dưới 10%) của vaccine Covid-19 AstraZeneca gồm có: Sưng và đỏ tại vị trí tiêm
– Phản ứng nghiêm trọng có thể xảy ra của vaccine AstraZeneca đó là: Sốc phản vệ, phản ứng quá mẫn muộn.
– Tai biến nặng sau tiêm: Giảm tiểu cầu, huyết khối miễn dịch sau tiêm vaccine hiếm gặp.
5. Khuyến cáo khi sử dụng vaccine Astrazeneca
– Nên tiêm đủ 2 liều của cùng một loại vaccine
– Nên tiêm vaccine Covid-19 tối thiểu cách 14 ngày với các vaccine phòng bệnh khác
Các nước tiêm chủng vaccine AstraZeneca nói gì?
Chúng ta hãy cùng nghe lời khuyên từ Nhóm kỹ thuật Úc Tư vấn về tiêm chủng (ATAGI) để xem họ có cái nhìn gì về vaccine AstraZeneca.

Ở những người từ 60 tuổi trở lên, ATAGI tiếp tục khuyên rằng lợi ích của việc chủng ngừa bằng vaccine AstraZeneca lớn hơn rủi ro. Khuyến nghị này dựa trên:
– Nguy cơ gia tăng các kết quả nghiêm trọng do Covid-19 ở người lớn tuổi (và do đó lợi ích cao hơn từ việc tiêm chủng)
– Tăng nguy cơ huyết khối do giảm tiểu cầu sau khi tiêm vaccine AstraZeneca ở những người dưới 60 tuổi.
Tuy nhiên, nếu quý vị dưới 60 tuổi, đã tiêm liều vaccine AstraZeneca đầu tiên và không gặp phải các phản ứng phụ bất thường, thì ATAGI khuyên rằng, vẫn nên tiêm liều AstraZeneca thứ hai. Điều này sẽ cung cấp cho bạn mức bảo vệ cao hơn để giảm tỉ lệ bệnh tiến triển nặng hơn do Covid-19.
Tai biến nặng hiếm gặp sau tiêm vaccine AstraZeneca: Huyết khối, hội chứng giảm tiểu cầu (TTS)
Tại Úc, người từ 18-59 tuổi, thì có thể chọn chủng ngừa AstraZeneca khi: Chuyên gia y tế có trình độ chuyên môn đánh giá mức độ thích hợp và người tiêm cần ký bản cam kết.
Đối với vaccine Astrazeneca, chúng ta có nhắc đến Huyết khối, hội chứng giảm tiểu cầu (TTS). Đây là một tai biến nặng hiếm gặp sau tiêm của loại vaccine này.
Vậy Huyết khối, hội chứng giảm tiểu cầu (TTS) là gì?
TTS liên quan đến cục máu đông (còn gọi là huyết khối) và lượng tiểu cầu trong máu thấp (tức là giảm tiểu cầu). Cục máu đông có thể xuất hiện ở các bộ phận khác nhau của cơ thể, chẳng hạn như não (được gọi là huyết khối xoang tĩnh mạch não) hoặc trong bụng. Cơ chế gây ra TTS vẫn chưa được hiểu đầy đủ, nhưng nó có vẻ tương tự như giảm tiểu cầu do heparin, một phản ứng hiếm gặp khi bệnh nhân điều trị bằng heparin.
Nhìn chung, có rất ít khả năng xảy ra tác dụng phụ này. Nhưng, tỷ lệ này được ước tính cao hơn ở những người dưới 60 tuổi.
Hội chứng giảm tiểu cầu thường gây ra những triệu chứng gì?
TTS rất hiếm và xảy ra vào khoảng từ 4 – 42 ngày sau khi tiêm vaccine. Các triệu chứng có thể bao gồm:
– Nhức đầu kéo dài hơn 48 giờ sau khi tiêm chủng hoặc xuất hiện muộn hơn 48 giờ sau khi tiêm chủng: Thuốc giảm đau có thể làm dịu cơn đau đầu, nhưng nó vẫn tồn tại, tệ hơn khi nằm, và có thể kèm theo buồn nôn và nôn
– Các triệu chứng thần kinh như: Mờ mắt, khó nói, buồn ngủ, co giật
– Khó thở
– Đau ngực
– Sưng chân
– Đau bụng dai dẳng
– Các đốm máu nhỏ xuất hiện dưới da cách xa vị trí tiêm.
Hãy chắc chắn một điều, quý độc giả tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức, nếu gặp các triệu chứng này.
Trên đây, là một số kiến thức về vaccine Covid-19 Astrazeneca mà KTN gửi đến độc giả KTN. Chúng tôi sẽ cùng trở lại cùng với những thông tin về các loại vaccine khác đang được triển khai tại Việt Nam. Rất mong nhận được phản hồi của độc giả.
Xem thêm video tại đây: