Trong “Hồ sơ Pandora” được công bố mới đây, tiết lộ nhiều thông tin tài chính có nhắc tên nhiều nhà lãnh đạo thế giới, gồm Quốc vương Jordan Abdullah, Thủ tướng CH Czech Andrej Babis…
Đêm hôm qua ngày 3/10, trang The Guardian và BBC đã công bố hàng loạt thông tin về “Hồ sơ Pandora”, tiết lộ những khối tài sản khổng lồ ở nước ngoài của 35 lãnh đạo hiện tại và cựu lãnh đạo của các quốc gia trên thế giới; hơn 330 quan chức của 91 quốc gia và vùng lãnh thổ; và 100 tỷ phú thế giới.
Cũng theo Guardian, Tổng thống Nga ông Vladimir Putin không xuất hiện cụ thể trong các tài liệu rò rỉ, nhưng rất nhiều cộng sự thân tín của ông được liệt kê trong hồ sơ này, bao gồm cả người bạn thân quá cố, ông Petr Kolbin.
Tổng thống Ukraine ông Volodymyr Zelenskiy, trong chiến dịch tranh cử năm 2019, đã chuyển 25% cổ phần của mình trong một công ty nước ngoài cho một người bạn thân. Người này đang làm cố vấn hàng đầu của ông.
Tổng thống Cộng hòa Cyprus Nicos Anastasiades cũng đang đối mặt với nghi vấn, tại sao một công ty luật do ông thành lập bị cáo buộc che giấu tài sản cho một tỷ phú Nga?.
Tài liệu rò rỉ cũng cho thấy cách mà cựu Thủ tướng Anh Tony Blair và vợ tiết kiệm được số tiền thuế khổng lồ khi mua một văn phòng ở London.
Các tiết lộ mới này cũng gây ảnh hưởng tới sự nghiệp của một số nhà lãnh đạo thuộc Liên minh châu Âu. Thủ tướng Cộng hòa Czech, ông Andrej Babis người tham gia tranh cử vào tuần này, đang phải đối mặt với loạt câu hỏi, tại sao ông lại thông qua một công ty đầu tư nước ngoài để mua lại một lâu đài 22 triệu USD ở miền Nam nước Pháp.
Một nhân vật nổi bật khác được nhắc tên là Vua Abdullah II của Jordan. Ông bí mật tích lũy được khối tài sản trị giá 100 triệu USD ở Mỹ và Anh. Ông Jordan được cho là đã chặn website của Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế – nơi chủ trì vụ thẩm định tài liệu rò rỉ – vài giờ trước khi Hồ sơ Pandora được công bố.
Trong cuộc điều tra chung về hồ sơ này, The Guardian, BBC và các đối tác truyền thông khác, với hơn 650 phóng viên tham gia, đã tiếp cận được khoảng 12 triệu tài liệu, với 2,94 terabytes (TB) dữ liệu. Đây là vụ rò rỉ lớn nhất trong những năm gần đây, so với Hồ sơ Panama (2016) 2,6 TB dữ liệu, và Hồ sơ Paradise (2017) 1,4 TB dữ liệu. Một TeraBite (TB) bằng một nghìn Gigabite (GB).
Hồ sơ Pandora được cho là có thể sẽ có tác động lớn hơn những vụ rò rỉ trước đó, trong bối cảnh thế giới đại dịch COVID-19 đang hoành hành.