Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cảnh báo, Bắc Kinh đang thực hiện các bước quan trọng nhằm cải thiện khả năng tác chiến điện tử (EW), thông tin liên lạc và thu thập thông tin tình báo gần Biển Đông. Đây cũng là bằng chứng cho thấy quyết tâm thống trị các tuyến đường thủy quốc tế chiến lược của Bắc Kinh.
CSIS báo cáo các pháo đài đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Đá ngầm Subi và Đá Chữ Thập ở Biển Đông được trang bị các phương tiện liên lạc và thu thập thông tin tình báo rộng rãi. Ngoài ra, còn có một mạng lưới các tháp cảm biến giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Chúng được lắp đặt để phát hiện, giám sát và can thiệp bất kỳ hoạt động điện tử nào trong khu vực. Thông qua đó, Trung Quốc có khả năng gây nhiễu loạn hoạt động liên lạc thông tin ở Biển Đông. Máy bay chiến đấu có thể bị lạc mất mục tiêu bất kể đối tượng là tàu chở dầu hay tàu chiến. Và máy bay không người lái có thể quay lại tấn công chính người điều khiển.
Hệ thống điện tử cũng có thể phá vỡ mạng chia sẻ dữ liệu phức tạp vốn làm tăng thêm uy lực của các vũ khí hiện đại, chẳng hạn như tiêm kích tàng hình F-35.
Xem nhanh
Căn cứ chiến lược trên đảo Hải Nam
Hình ảnh vệ tinh về các pháo đài đảo của Trung Quốc ở khu vực quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa đã cho thấy sự hiện diện của các mảng ăng-ten và đĩa vệ tinh lớn. Giờ đây, người ta thấy Trung Quốc đang mở rộng nhanh chóng các cơ sở gần một thị trấn có tên Mộc Miên trên đảo Hải Nam.
Đó là một trận chiến điện tử đa diện, lĩnh vực do Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược của Trung Quốc (SSF) điều phối.
Cơ sở Mộc Miên được xây dựng vào năm 2018. Nhưng hình ảnh vệ tinh mới cho thấy nó đã trải qua quá trình mở rộng nhanh chóng trong những tháng gần đây.
Một mảng mới gồm 4 ăng-ten đĩa theo dõi và liên lạc với vệ tinh. Các căn cứ với các tháp liên lạc có thể nhận hoặc truyền tín hiệu cũng đã tăng gấp đôi kích thước. Tuy nhiên, đáng kể nhất là việc xây dựng một trụ sở lớn cùng doanh trại mới; rải rác trong đó là khoảng 90 phương tiện chiến tranh, nhiều chiếc mang ăng-ten riêng.
Nạn nhân chiến lược
Năm ngoái, trang tin Trung Quốc báo cáo một chiến đấu cơ của Mỹ đã ‘bị mất kiểm soát’ khi bay trên Biển Đông.
Theo thông tin: “Tất cả các thiết bị trong cabin đều náo loạn. Chiếc máy bay hoàn toàn mất kiểm soát và không thể liên lạc với thế giới bên ngoài, nhưng họ không biết chuyện gì đã xảy ra”.

Tuyên bố này dường như liên quan đến một sự cố năm 2018, trong đó máy bay EA-18G Growler của Hải quân Hoa Kỳ từ tàu sân bay USS Theodore Roosevelt báo cáo thiết bị của họ bị nhiễu. Tuy nhiên, các phi công cho biết, họ không gặp bất kỳ nguy hiểm nào.
Tất nhiên các báo cáo từ phía Trung Quốc thường là không trung thực, và thường cường điệu hóa khả năng của các vũ khí cũng như các thiệt hại của bên họ nếu các đụng độ có xảy ra.
Hoa Kỳ cảnh báo gấp
Một báo cáo mới đây của Viện Brookings Mỹ nhận định: “Cuộc chiến trong tương lai sẽ không chỉ xoay quanh các vụ nổ, mà còn liên quan đến việc vô hiệu hóa các hệ thống vận hành quân sự. Những chiếc xe tăng sẽ bị rơi vào trạng thái ì trệ, không thể khởi động hay bỏ lỡ mất mục tiêu là một tên lửa giữa không trung”.
Thiết bị công nghệ cao sẽ không chỉ bị vô hiệu hóa mà còn bị đảo lộn các chức năng. Cũng có khả năng xảy ra một cuộc tấn công phủ đầu làm vô hiệu hóa khả năng chiến đấu của cả một quốc gia.
Theo viện quân sự, chiến tranh trong tương lai sẽ là chiến tranh mạng: “Nếu vũ khí và hệ thống của quý vị không an toàn, đừng mất công chuyển chúng ra chiến trường”.