Nhiều năm qua, hàng hóa từ Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam khiến kim ngạch nhập khẩu tăng vọt theo hướng có lợi cho Trung Quốc.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy năm 2021, nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc của Việt Nam đạt gần 110 tỷ USD, tăng 30% so cùng kỳ. Trung Quốc chiếm hơn 33% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của nước ta, cao gấp 2 lần so với thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 là Hàn Quốc.

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam chỉ bằng một nửa, với gần 56 tỉ USD. Như vậy, mức nhập siêu từ Trung Quốc đạt kỷ lục trong năm qua, với gần 54 tỉ USD.

Để so sánh, năm 2007, nhập siêu từ Trung Quốc của nước ta là hơn 9,1 tỷ USD. Con số này tăng dần qua các năm. Đến năm 2019 là 34 tỉ USD; năm 2020, nhập siêu từ Trung Quốc của Việt Nam là hơn 35 tỉ USD, khoảng cách hai chiều thương mại Việt – Trung ngày một “giãn rộng”.

Có thể nói rằng, nếu so với kế hoạch phát triển xuất nhập khẩu với Trung Quốc mà Bộ Công Thương vạch ra, Việt Nam đã thất bại trong việc rút ngắn cán cân thương mại với nước láng giềng tỷ dân này.

TS. Nguyễn Minh Phong, Viện Phát triển kinh tế xã hội Hà Nội, gọi đây là tình trạng báo động cấp 3 và rất… nguy hiểm. Nhập siêu quá lớn như vậy sẽ làm nặng thêm sự mất cân bằng cán cân thanh toán của Việt Nam.

Đáng chú ý, thông tin từ trang thông tin Tỉnh Lai Châu, trong 5 nhóm hàng mà Việt Nam nhập nhiều nhất, gồm thiết bị máy móc phụ tùng, xăng dầu, sắt thép, phân bón, nguyên phụ liệu dệt may thì Trung Quốc đều có tên ở Top những nhà xuất khẩu nhiều nhất.

Việc tăng phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc có thể khiến Việt Nam dễ bị lạm phát nhập khẩu. Thậm chí tạo nên những cú sốc hàng hóa khi phía Trung Quốc bị đứt gãy. Một ví dụ điển hình mới đây là việc Bắc Kinh siết thông quan hàng hóa biên giới, khiến hàng nông sản Việt Nam lao đao, tồn đọng 5.000 xe container ở các cửa khẩu.

Một tiến sĩ tại Viện Thương mại và kinh tế chia sẻ với tờ Thanh Niên, không chỉ Việt Nam, Mỹ cũng nhập siêu hơn 500 tỉ USD từ thị trường Trung Quốc. Đất nước 1,4 tỷ dân là nhà cung cấp hàng hóa số 1 cho 61 thị trường thế giới, lý do là giá cả hàng hóa từ Trung Quốc rất rẻ.

Tuy nhiên, nước này cũng nhiều lần bị Mỹ cáo buộc ăn cắp công nghệ và cưỡng bức lao động đối với các tù nhân lương tâm như các học viên Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ. Điều này cũng phần nào lý giải mức chi phí thấp của những sản phẩm “Made in China”.

Xem thêm: Máu và Nước Mắt Đằng Sau Sản Phẩm “Made In China”