Thời gian này trên thị trường xuất hiện nhiều trường hợp các vật tư y tế không rõ nguồn gốc, chất lượng kém, mới đây Hà Nội đã thu gần 400.000 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo.
Chiều 1/9, cơ quan chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh tại số 43 Đường 3, Phủ Lỗ, Sóc Sơn, Hà Nội, đã phát hiện và thu giữ 389.950 sản phẩm, vật tư y tế không rõ nguồn gốc xuất xứ và có dấu hiệu giả mạo.
Cụ thể, các sản phẩm bị thu giữ gồm:
- 11.490 khẩu trang KN95 nhãn có chữ nước ngoài
- 3.300 bộ bảo hộ nhãn giấy có chữ sản xuất bởi công ty Cổ phần Đầu tư Thiện Bình;
- 1.130 bộ bảo hộ, 550 chiếc áo liền quần, 5.500 chiếc bao chân, 347.000 chiếc găng tay cao su
- Đặc biệt, có 20.880 chiếc khẩu trang có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu khẩu trang 3M.
- Ngoài ra, còn có 40 chiếc giá phơi quần áo, 60 chiếc máy sấy quần áo chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ theo quy định.
Tại hiện trường, đại diện cơ sở kinh doanh là ông Vũ Hoàng Hà cũng chính thức xác nhận, lô hàng có dấu hiệu giả mạo sản phẩm chính hãng của Công ty đã đăng ký bảo hộ tại thị trường Việt Nam.

Được biết, 1 chiếc khẩu trang mang nhãn hiệu 3M được giao bán trên thị trường trực tuyến hiện có giá từ 30.000-65.000 đồng/1 chiếc.
Thời gian này trên thị trường xuất hiện nhiều trường hợp các vật tư y tế không rõ nguồn gốc, chất lượng kém. Nhiều bác sĩ ở tâm dịch cũng chia sẻ nhận được sự trợ giúp nhưng khi kiểm định chất lượng của các lô hàng lại không đảm bảo, do đó không thể sử dụng.
Trước đó, ngày 9/8, GS.TS Trần Bình Giang – Giám đốc Bệnh viện Việt Đức trao đổi với báo SK&ĐS cho thấy, có nhiều nhà tài trợ, nhóm thiện nguyện đã ủng hộ trang thiết bị bảo hộ cho cán bộ y tế. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra cho thấy rất nhiều khẩu trang không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật.
Do đó, GS Giang đã khẩn thiết đề nghị các nhà tài trợ, cá nhân từ thiện khi mua trang bị bảo hộ, đặc biệt là khẩu trang N95 (vì đây là lá chắn cho các nhân viên y tế) để tặng cho các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 cần tìm hiểu rõ xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật. Để có thể bảo vệ được những người tuyến đầu.
Cũng tại Hà Nội vào trưa nay ngày 2/9, thành phố xác nhận 26 ca dương tính mới, trong đó có 1 ca cộng đồng. Nâng tổng số ca nhiễm từ sáng đến trưa lên 31 ca. Trong đó, chùm lây nhiễm tại Thanh Xuân Trung ghi nhận 7 ca, nâng tổng số mắc lên 388 ca tính từ 23/8 đến nay.
Trong các ca dương tính có nữ công nhân 40 tuổi, làm may tại quận Hà Đông, có triệu chứng bệnh từ tối 27/8. Ngày 29/8, bệnh nhân tự mua thuốc uống và ra trạm y tế khai báo, được lấy mẫu xét nghiệm. Ngày 2/9, có kết quả dương tính.
Còn tại quận Thanh Xuân, trưa nay đã ghi nhận thêm 4 ca bệnh mới tại ngõ 477, Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Nam. Giống như phường Thanh Xuân Trung, đây cũng là phường tập trung nhiều khu tập thể cũ, nên nguy cơ lây lan dịch bệnh rất lớn. Từ ngày 1/9, chính quyền đã bắt đầu lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người dân ở Thanh Xuân Nam. Cũng từ đêm qua, phường Thanh Xuân Trung đã bắt đầu di dời bớt người dân khỏi cụm dịch ở ngõ 328 Nguyễn Trãi.
Như vậy, tổng số ca nhiễm tại Hà Nội trong đợt dịch 4 là 3.358 ca, trong đó số ca nhiễm cộng đồng là 1.552 ca.