Từ ngày 11/2, giá mỗi lít xăng A95 đã chạm mức gần 25.300 đồng/lít, xăng E5 cao nhất là gần 24.600 đồng/lít, giá các loại dầu cũng tăng mạnh. Việc giá xăng dầu leo thang, trong khi thị trường chưa có dấu hiệu hồi phục gây áp lực lớn đối với người dân, các doanh nghiệp.
Chia sẻ với phóng viên VTC, ông Tô Quang Học, chủ một doanh nghiệp vận tải chuyên chạy tuyến Hà Nội – Thái Bình cho biết, xăng dầu chiếm 30 – 40% đơn giá vận chuyển. Do đó, việc xăng tăng giá chắc chắn ảnh hưởng đến chi phí vận tải.
Thêm vào đó, các hãng xe khách đa số là thua lỗ từ nhiều tháng nay, do dịch bệnh, người dân ít đi lại. Nay lại thêm cú sốc tăng giá xăng dầu kỷ lục thì đúng là “ác mộng” đối với ngành vận tải.
Không chỉ tác động đến doanh nghiệp vận tải mà giá xăng tăng cao thời gian qua còn ảnh hưởng lớn đến người dân, doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ…
Như tâm sự của người dân, một thực tế phũ phàng là vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, hai năm qua, thu nhập từ tiền lương đến thưởng Tết đều giảm. Thế nhưng, mọi chi phí khác từ thực phẩm, đến đất đai, giá vàng, giá xăng lại không hề có khái niệm giảm.
Thực tế, theo khảo sát của Zing, so với thời điểm đầu năm 2021, giá thực phẩm tươi sống, sữa, gạo, dầu ăn… đã tăng 10-30% vì đà tăng liên tục của giá xăng dầu. Nhiều quán ăn cũng phải tăng giá bán vì sức ép do giá nguyên liệu tăng.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, doanh nghiệp và người dân hiện có hai mối lo chính là dịch COVID-19 và giá nhiều loại nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là giá xăng, tăng cao. Trong khi dịch bệnh đã tạm thời được kiểm soát, việc giá xăng dầu liên tục tăng, gây áp lực rất lớn lên đà phục hồi kinh tế.
Ông Long cho hay, mặc dù giá xăng Việt Nam phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới, nhưng vẫn có cách để ổn định giá mặt hàng này, đó là điều chỉnh thuế và quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Quỹ bình giá xăng dầu ổn nay đã cạn. Tuy nhiên, mỗi lít xăng dầu bán ra thị trường phải gánh 4 loại thuế gồm: thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, mỗi loại 10%, đặc biệt thuế bảo vệ môi trường cao từ 3.800 – 4.000 đồng/lít. Theo ông Long, trong số này, có thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt là có thể giảm, để giảm tỉ lệ tăng của giá xăng dầu.
Trúc Bạch (tổng hợp)