Thủ tướng Úc, ông Scott Morrison cho biết sẽ không đàm thảo với Tổng thống Pháp tại Liên Hợp Quốc trong tuần này cho dù sự tức giận của Pháp về việc đổ bể hợp đồng tàu ngầm có thể đe dọa đến thỏa thuận thương mại Úc-EU.

Vào ngày 21/9, trả lời báo giới liên quan đến việc này, ông Morrison nói: “Không có cơ hội cho việc đó vào lúc này. Tôi chắc chắn cơ hội sẽ đến đúng lúc”. 

Úc và EU sẽ tổ chức vòng đàm phán tiếp theo về thỏa thuận thương mại vào ngày 12/10.

Thủ tướng Morrison đã tìm cách xoa dịu kỳ vọng rằng thỏa thuận này sẽ được hiện thực hóa. Ông nói: “Không phải là một điều dễ dàng để đạt được một thỏa thuận về thương mại với EU, tôi nghĩ rằng mọi người đều hiểu điều đó”.

Trong khi đó, các đại sứ của Liên minh châu Âu đã hoãn các cuộc họp dự trù cho một hội đồng thương mại và công nghệ mới được thiết lập giữa EU và Mỹ dự kiến diễn ra vào ngày 29/9 để phản đối thỏa thuận cung cấp tàu ngầm giữa Mỹ, Anh và Úc. 

Theo các nhà ngoại giao EU, Ủy ban Châu Âu đã yêu cầu hoãn cuộc họp giữa Mỹ và 27 phái viên EU này.

Đồng thời, hôm qua 21/9, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, ông Maros Sefcovic nói rằng sau việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, và ký kết thỏa thuận an ninh ở Ấn Độ -Thái Bình Dương với Anh và Úc, lẽ tự nhiên là Liên minh Châu Âu cần tập trung hơn cho tự chủ chiến lược. Ông nói thêm, nguyên thủ các nước thành viên của khối sẽ thảo luận nội dung này, nhưng không nói rõ hội nghị thượng đỉnh EU nào sẽ đề cập đến vấn đề này.

Dự kiến các nhà lãnh đạo EU sẽ gặp nhau trong hai ngày 5-6/10 tới, để thảo luận về quan hệ với Trung Quốc, việc Taliban kiểm soát Afghanistan, các nước Tây Balkan, trước khi có cuộc gặp tiếp theo vào các ngày 21-22/10.

Cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo EU. (Ảnh: Getty Images)

Các nước Đông Nam Á có phản ứng trái ngược về hiệp định hợp tác an ninh Anh-Úc-Mỹ. Indonesia và Malaysia cho rằng Úc có nguy cơ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang. Trong khi đó, Philippines cho biết họ ủng hộ thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân Canberra vì nó sẽ giúp mang lại sự ổn định cho khu vực.

Cùng lúc, theo Văn phòng Tổng thống Pháp, ông  Emmanuel Macron đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Ấn Độ, ông Narendra Modi. Trong đó, hai bên đã nhất trí “cùng hành động” ở Ấn Độ-Thái Bình Dương để đảm bảo sự ổn định và thượng tôn pháp luật trong khu vực, đồng thời loại trừ mọi hình thức bá quyền.