Sau khi Đài Loan xin gia nhập Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương, Bắc Kinh đã điều nhiều chiến đấu cơ, oanh tác cơ… vào vùng nhận dạng phòng không của quần đảo này.

Hôm 23/9, Trung Quốc đã điều 24 chiến đấu cơ, 4 oanh tác cơ và một trinh sát cơ vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan. Động thái này diễn ra một ngày sau khi Đài Loan nộp đơn gia nhập Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương.

Theo Bộ Quốc phòng của hòn đảo, 19 chiếc trong số này đã thâm nhập vào góc tây nam của ADIZ hồi 4h30 chiều, và thêm 5 máy bay còn lại được bổ sung vào 7h15 tối cùng ngày.

Không quân Đài Loan đã phản ứng bằng cách điều các máy bay chiến đấu để xua đuổi, phát các cảnh báo bằng sóng vô tuyến và theo dõi máy bay Trung Quốc bằng tên lửa phòng không đối đất.

Ngoại giới cho rằng, hành động quân sự này của Trung Quốc là để gây áp lực khiến hòn đảo phải nao núng về quyết định xin gia nhập liên minh thương mại, hoặc là động thái cưỡng ép các thành viên của hiệp định từ chối đơn của Đài Loan.

Trước đó cùng ngày, Trung Quốc đã lên tiếng phản đối việc Đài Loan đăng ký làm thành viên của hiệp định thương mại này.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Triệu Lập Kiên nói với báo giới: “Chúng tôi kiên quyết phản đối bất kỳ quốc gia nào có trao đổi chính thức với Đài Loan và kiên quyết phản đối việc khu vực Đài Loan gia nhập bất kỳ hiệp ước hoặc tổ chức chính thức nào”.

Một tuần trước, Trung Quốc cũng đã có động thái xin gia nhập vào hiệp ước này. Trong khi các thành viên khác chưa có bình luận gì liên quan, Úc đã nêu điều kiện yêu cầu Bắc Kinh gỡ bỏ các rào cản thương mại với Canberra.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nhật Bản, ông Toshimitsu Motegi đã hoanh nghênh đơn xin gia nhập hiệp định của Đài Loan.

Ông John Deng, nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Đài Bắc, cho biết ông đã dự đoán Trung Quốc sẽ phản đối quyết định của hòn đảo, nhưng mô tả Đài Loan là một đối tác thương mại tự do đáng tin cậy hơn.

Ông Deng nói: “Chúng tôi có nền tảng dân chủ và pháp quyền nên mọi quy định của chúng tôi đều minh bạch, và chúng tôi tôn trọng tài sản tư nhân”.

Trong một diễn biến mới nhất, Đài Bắc gọi ý định bắt nạt hòn đảo của Trung Quốc là hành vi phạm tội, và rằng Bắc Kinh không có quyền phản đối hoặc bình luận về nỗ lực tham gia hiệp định thương mại của Đài Loan.