Sau một thời gian dài đại dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều tỉnh thành của Việt Nam, đã khiến người dân những nơi này trở nên mệt mỏi về tinh thần và kiệt quệ về tài chính. Hiện, tại Tp. HCM, các chuyên gia đề nghị dừng xét nghiệm diện rộng, mở cửa thành phố.

Ngày 17/9, PGS. TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế cộng đồng, Đại học Y Dược Tp HCM nêu ý kiến, Tp HCM không nên tiếp tục xét nghiệm diện rộng và truy vết, vì rất tốn kém, nên tập trung lấy mẫu những người nguy cơ cao, và có triệu chứng.

Đề nghị này được đưa ra khi thành phố đang tiếp tục xét nghiệm diện rộng trong nửa sau tháng 9. Thời gian tới, ông Dũng cho rằng, việc ‘sống chung’ với dịch là tất yếu.

PGS Vũ Minh Phúc, cố vấn Bộ môn Nhi, Đại học Y Dược Tp HCM cũng có đồng quan điểm này. Còn GS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Dược cho rằng, nếu xét nghiệm tách và chuyển F0 đi nơi khác để giữ khu vực xanh, thì việc tìm F0 phải thực hiện mãi vì kết quả xét nghiệm chỉ có giá trị trong ba ngày.

Ông Tuấn cho biết thêm, thành phố không cần thiết xét nghiệm diện rộng, mà tập trung nguồn lực vào việc phủ vaccine.

Trước đó, từ ngày 27/4 đến ngày 15/9, Tp HCM đã lấy tổng cộng gần 2 triệu mẫu xét nghiệm RT-PCR và hơn 9,5 triệu mẫu test nhanh kháng nguyên.

Về mảng kinh tế, TS. Vũ Thành Tự Anh, đứng đầu Tổ Tư vấn chống dịch và giúp hồi phục kinh tế xã hội nói rằng: hiện tại, thành phố không thể không mở cửa. Xét nghiệm diện rộng đã rất tốn kém. Sau 3,5 tháng đóng cửa, cả doanh nghiệp lẫn người dân nghèo đều đã kiệt quệ rồi, nếu kéo dài thêm thì sẽ không phục hồi được nữa.

Ông cho biết thêm, năm nay, Tp. HCM có thể mất 6 tỷ USD, bằng khoảng 2% GDP của Việt Nam. Tỷ lệ nghèo tạm thời ở điều kiện bình thường trên cả nước là 10%, nhưng tháng 8 vừa qua, thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho thấy, con số này đã lên tới 33,4%, và thống kê còn chưa đầy đủ, vì chưa tính tới nhóm lao động ‘phi chính thức và lao động tự do’ vốn có số lượng rất lớn.

Ông nói: “Zero Covid là biểu hiện rõ ràng của sự sợ hãi. Do đó, phải thay đổi tư duy”, và thành phố cần chống dịch bằng sự hiểu biết – tức là thông tin, dữ liệu, bằng chứng khoa học.