Kể từ khi phát động cuộc tấn công nhắm vào Ukraine, Nga đã liên tiếp nhận phải những lệnh trừng phạt từ phương Tây. Vậy những đòn trừng phạt này ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế của quốc gia lớn nhất thế giới?

Trong các lệnh trừng phạt, trước tiên phải kể đến lĩnh vực tài chính, tài khoản và tài sản của các ngân hàng lớn của Nga như VTB, Sovcombank… đã bị đóng băng ở các quốc gia tham gia lệnh trừng phạt. Nga bị cô lập khỏi việc thanh toán quốc tế. Các ngân hàng này hiện không thể huy động vốn tại các thị trường phương Tây.

Mới đây, theo Reuters, các ngân hàng Nga đang chuyển sang sử dụng hệ thống UnionPay thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc. Ngoại giới nhận định, điều này cho thấy Nga có thể ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc khi bị phương Tây cô lập.

Trong lĩnh vực năng lượng, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga ngay lập tức bị Đức dừng cấp giấy phép. Một số hãng, tập đoàn nước ngoài ở tất cả các lĩnh vực như giao thông, dầu khí, viễn thông; tài chính; internet; thể thao, giải trí… tạm ngừng kinh doanh hoặc rời khỏi thị trường Nga.

Trong lĩnh vực hàng không, Nga bị nhiều nước châu Âu đóng cửa không phận. Cơ quan vận tải hàng không Liên bang Nga (Rosaviatsiya) đã khuyến cáo các hãng hàng không Nga thuê máy bay nước ngoài tạm dừng tất cả các chuyến bay quốc tế từ hôm 6/3.

Nhận định viễn cảnh của Nga sau khi hứng chịu các lệnh trừng phạt, ông Tạ Kim Hà, một học giả Đài Loan, chủ tịch Caixin Media và là giáo sư tại Trường Quản lý Tài chính CITIC cho rằng “Tương lai nước Nga có thể trở thành một Triều Tiên khác”.

Theo Aboluowang, ông Hà nêu ra 3 điểm phân tích chính. Thứ nhất, dân số Nga đang già hóa nghiêm trọng. Tỷ lệ người trên 65 tuổi chiếm 15,5%. Năm 2020, dân số Nga đã giảm 3 triệu người so với hồi 2000, thời điểm ông Putin lên nắm quyền, tình trạng kiệt quệ tài chính của Nga đang xuất hiện.

Thứ hai là nền kinh tế Nga tiếp tục sa sút. Cụ thể là trong vụ tấn công Crimea năm 2014, Moscow đã bị nhiều nước trừng phạt, đầu tư trực tiếp nước ngoài sụt giảm, thêm vào đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch trong hai năm qua.

Thứ ba, áp lực lạm phát ngày càng gia tăng, kể từ khi ông Putin lên nắm quyền, chỉ số CPI của Nga đã vượt 6% trong 16 năm. Vào tháng 1 năm nay, chỉ số CPI của nước này là 8,7%. Ngân hàng trung ương Nga ước tính tỷ lệ lạm phát năm nay là 11,9%, trong khi 1/7 dân số của Nga dưới mức nghèo.

Ông Tạ cho rằng việc đối mặt với các lệnh trừng phạt quốc tế lần này có khả năng bịt kín yết hầu của Nga. SWIFT là hệ thống thanh toán quốc tế hiện đang kết nối hơn 11.000 tổ chức tài chính tại 200 quốc gia và khu vực. Riêng tại Nga, khoảng 300 ngân hàng và tổ chức sử dụng SWIFT, đứng thứ 2 toàn cầu sau Mỹ. Việc Nga bị loại khỏi cơ chế thanh toán quốc tế này là một vấn đề không nhỏ.

Bây giờ đồng Rúp đang mất giá, thị trường chứng khoán Nga ngừng giao dịch, tài sản bị đóng băng… ông nhận định sau trận chiến này, tổng giá trị kinh tế của Nga sẽ tiếp tục giảm, “tương lai nước này có thể trở thành một Triều Tiên khác”.

Thùy Anh (tổng hợp)

Xem thêm:

Từ Khóa: