Trong tình hình căng thẳng giữa Ukraine và Nga, nhiều người lo ngại về một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể xảy ra.

Ông Hans M. Kristensen, Giám đốc Dự án thông tin hạt nhân, nhà nghiên cứu cấp cao tại Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ cho biết về sự nguy hiểm nếu cuộc chiến này nổ ra: “Một cuộc tấn công hạt nhân lẫn nhau giữa 2 cường quốc như Nga và Mỹ không chỉ khiến hàng triệu người thiệt mạng, khiến các khu vực rộng lớn bị nhiễm phóng xạ mà còn tiềm tàng có tác động lâu dài đối với khí hậu”.

Hẳn trong ký ức của nhiều người, những quả bom hạt nhân là một thứ vũ khí đáng sợ. Ngoài vụ ném bom nguyên tử của Mỹ xuống Hiroshima và Nagasaki ở Nhật Bản cuối chiến tranh thế giới thứ 2, còn có thảm họa hạt nhân từ nhà máy ở Pripyat, Ukraine (khi ấy còn là một phần của Liên bang Xô viết). Những sự cố này đã gây ra cái chết cho rất nhiều người, và ảnh hưởng lâu dài của nó đối với sức khỏe con người là không kể xiết.

Vậy chiến tranh hạt nhân là gì?

Chiến tranh hạt nhân là chiến tranh sử dụng vũ khí hạt nhân. Khác với chiến tranh sử dụng khí tài thông thường. Chiến tranh hạt nhân toàn diện sẽ có mức độ ảnh hưởng, phạm vi phá huỷ lớn hơn rất nhiều lần, gây ra những hậu quả lâu dài sau đó. Nó có thể huỷ diệt tất cả các dạng sống trên Trái Đất.

Vũ khí hạt nhân là loại vũ khí hủy diệt hàng loạt mà năng lượng của nó do các phản ứng phân hạch hạt nhân hoặc phản ứng hợp hạch gây ra.

Hiện tại trên thế giới có các cường quốc đang sở hữu vũ khí hạt nhân gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Israel, Pháp, Triều Tiên, Pakistan và Anh.

  • Đối với vũ khí hạt nhân lấy năng lượng từ quá trình phân hạch (gọi là phân rã hạt nhân). Một vật liệu có khả năng phân rã được lắp ráp vào một khối lượng tới hạn, trong đó khởi phát một phản ứng dây chuyền và gia tăng theo tốc độ của hàm mũ, giải thoát một nguồn năng lượng khổng lồ. Vũ khí như vậy được gọi là bom nguyên tử, còn gọi là bom A.
  • Đối với vũ khí lấy năng lượng nhiều hơn từ quá trình nhiệt hạch (gọi là tổng hợp hạt nhân). Bức xạ nhiệt từ vụ nổ phân rã hạt nhân được dùng để nung nóng và nén đầu mang các đồng vị phóng xạ của Hydrogen như Triti, Deuteri, hoặc đồng vị Lithi; từ đó xảy ra phản ứng nhiệt hạch với năng lượng được giải thoát lớn hơn rất nhiều (có thể hơn ngàn lần so với bom nguyên tử). Đây được gọi là bom khinh khí, còn gọi là bom hydro, bom H hay bom nhiệt hạch.

Địa điểm có chiến tranh hạt nhân thay đổi thế nào?

Năng lượng từ vụ nổ vũ khí hạt nhân thoát ra biểu hiện ở 4 loại sau đây:

  • Áp lực: chiếm 40 – 60% tổng năng lượng.
  • Bức xạ nhiệt: chiếm 30-50% tổng năng lượng.
  • Bức xạ ion: với 5% tổng năng lượng.
  • Và cuối cùng là Bức xạ dư (bụi phóng xạ): 5-10% tổng năng lượng.

Lượng năng lượng giải thoát của từng loại phụ thuộc vào thiết kế của vũ khí và môi trường mà vụ nổ hạt nhân xảy ra. Bức xạ dư là năng lượng được thoát ra sau vụ nổ, trong khi các loại còn lại thì được giải thoát ngay lập tức.

Ảnh minh họa: Pixabay.

Như vậy, 2 hiệu ứng quan trọng nhất, mà người dân ở gần vùng bom hạt nhân có thể cảm nhận ngay, đó là áp lực và bức xạ nhiệt. Hai hiệu ứng này chiếm phần lớn năng lượng của vụ nổ. Do đó, có thể thổi bay các toà nhà, chung cư, đường xá; đốt cháy hoàn toàn mọi thứ trên đường đi, chỉ trong giây lát, khói bụi mù mịt, vật liệu bay khắp nơi.

Sau đó bức xạ ion và bụi phóng xạ sẽ thể hiện vai trò của mình trong vụ nổ hạt nhân. Phần này sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người. Khi những loại bụi này đi vào cơ thể, chúng sẽ gây ra các bệnh nguy hiểm chết người. Và hàng loạt các hậu quả về sau.

Các mối nguy liên quan đến vụ nổ hạt nhân

  • Ánh sáng flash có thể gây mù tạm thời trong vòng chưa đầy một phút.
  • Sóng nổ bom có thể gây chết người, thương tích và hư hỏng các cấu trúc cách xa vụ nổ vài dặm (tức hơn 3km).
  • Bức xạ có thể làm hỏng các tế bào của cơ thể. Phơi nhiễm lớn có thể gây bệnh phóng xạ.
  • Mức nhiệt phát ra có thể gây chết người, bỏng và hư hỏng các công trình cách xa vài dặm.
  • Xung điện từ (EMP) có thể làm hỏng thiết bị điện và thiết bị điện tử cách xa vụ nổ trong vòng 3km và gây gián đoạn tạm thời.
  • Bụi phóng xạ là chất phóng xạ, bụi bẩn có thể nhìn thấy và các mảnh vụn rơi xuống từ vài dặm trở lên, gây bệnh cho người đang ở bên ngoài.

4 giai đoạn ảnh hưởng lên cơ thể sau vụ nổ hạt nhân

Các triệu chứng có thể xảy ra do ảnh hưởng của sức ép, sức nóng, bức xạ ion lên hệ thần kinh và các cơ quan khác. Người nhiễm sẽ bị nôn mửa, nhức đầu, mù mắt, chảy máu, nhiễm trùng, suy hô hấp, và dẫn đến tử vong. Tùy vào giai đoạn mà sức ảnh hưởng của vụ nổ có thể khác nhau. Trên facebook của bác sĩ Huynh Wynn Tran có chia sẻ 4 giai đoạn như sau:

  • Giai đoạn từ 1 – 9 tuần sau vụ nổ, đây là lúc có số người chết cao nhất, phần lớn bị tổn thương do nhiệt và áp lực, và bị tai nạn do các công trình bị phát hủy.
  • Giai đoạn từ 10 – 12 tuần sau vụ nổ, phần lớn tử vong ở giai đoạn này là do bức xạ ion vào cơ thể gây tổn thương quá trình chuyển hóa.
  • Giai đoạn từ 13 – 20 tuần sau vụ nổ, ca tử vong giảm dần
  • Giai đoạn sau 20 tuần: các biến chứng nguy hiểm khác như các bệnh về máu, bệnh về mắt, các bệnh liên quan đến thai kỳ, vô sinh, và các loại ung thư.

Làm gì khi ở trong vùng chiến tranh hạt nhân?

Một vụ nổ hạt nhân có thể xảy ra mà không được báo trước hoặc chỉ có cảnh báo trước vài phút. Hơn nữa, các vụ nổ này có thể gây ra thiệt hại và thương vong đáng kể. Do đó, nắm được những kiến thức cơ bản về vũ khí hạt nhân sẽ giúp quý vị bảo vệ bản thân và gia đình.

Tình trạng nguy hiểm nhất là trong vài giờ đầu tiên sau khi bom phát nổ. Đây là lúc nó phát ra mức phóng xạ cao nhất. Phải mất khoảng 15 phút để bụi phóng xạ rơi trở lại mặt đất. Đây là khoảng thời gian đủ để quý vị có thể ngăn ngừa phơi nhiễm bức xạ bằng cách làm theo các bước đơn giản sau:

  1. Vào bên trong toà nhà gần nhất để tránh bức xạ

Tốt nhất là nên vào nhà có tường gạch và bê tông. Cởi bỏ, thay quần áo, rửa sạch nếu ở bên ngoài. Tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng. Lưu ý chỉ dùng các dụng cụ rửa tay không giúp loại bỏ bụi phóng xạ.

Đi xuống tầng hầm hoặc đi vào vùng giữa của tòa nhà. Tránh xa các bức tường bên ngoài, nơi gần cửa sổ và mái nhà. Hãy đeo khẩu trang nếu bạn đang trú ẩn với những người lạ. Trẻ em dưới 2 tuổi, người khó thở và người không thể tự tháo khẩu trang không nên đeo.

  1. Ở yên bên trong chỗ ẩn nấp

Ở trong nhà ít nhất 24 giờ cho đến khi chính quyền địa phương đưa ra các hướng dẫn khác. Tiếp tục giữ khoảng cách với người lạ, vì bạn sẽ không biết được họ có bị bụi phóng xạ hay không. Lưu ý giữ vật nuôi ở trong nhà.

  1. Chuẩn bị sẵn những gì ngay từ bây giờ?

Bạn cần quan sát xác định vị trí trú ẩn tốt nhất gần nơi mà bạn hay lui tới. Đó có thể là nhà riêng, cơ quan, trường học. Những vị trí tốt nhất là dưới lòng đất, ở giữa các tòa nhà lớn có tường gạch dày và có tầng hầm.

  • Cần chuẩn bị sạc dự phòng, đèn pin, và túi cấp cứu cá nhân, đồ ăn khô, và nước uống cho 1-3 ngày ở nơi mà bạn thường xuyên đến hoặc phải ở lại 24h.
  • Internet có thể bị gián đoạn, do đó nếu có radio bên mình để cập nhật tin tức thì rất tốt.

Như vậy, vụ khí hạt nhân và thứ cực kỳ nguy hiểm cho con người, mức độ sát thương và tàn phá của loại vũ khí này là vô cùng lớn. Quý vị cần hiểu một vài điểm cơ bản để có thể tự bảo vệ mình nếu vô tình di chuyển, sinh sống trong vùng có nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân.

Xem thêm: