Theo sau Conson là bão Chanthu có sức mạnh không kém gì bão Saffir-Simpson. Các nhà khí tượng học dự đoán, nó sẽ bùng nổ thành siêu bão.

Tin bão từ tờ Washington Post ngày 9/9 chỉ ra, cơn bão Chanthu đã tăng cấp từ áp thấp nhiệt đới lên cấp 5, cấp bão cao nhất của thang bão Saffir-Simpson chỉ sau 48h, với sức gió tăng lên tới 257km/h.

Nhà khí tượng học Tom Sater của CNN dự đoán Chanthu sẽ “bùng nổ thành siêu bão”. Ông mô tả Chanthu như một “con quái thú” có mắt bão được xác định rõ.

Cơn bão Chanthu gây ra mối đe dọa đối với phần phía bắc đảo Luzon, Đài Loan và vùng đông nam Trung Quốc. Viết trên Facebook ngày 8/9, giám đốc Cơ quan Thời tiết Đài Loan (CWB) Cheng Ming-dean cho biết tốc độ phát triển nhanh chóng của bão Chanthu thậm chí còn “đáng kinh ngạc” hơn “sự phát triển bùng nổ” của bão Ida.

CWB dự báo, bão Chanthu sẽ đến gần Đài Loan nhất vào cuối tuần này, ngày 11-12/9. Đây có thể sẽ là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Đài Loan hoặc Trung Quốc đại lục kể từ cơn bão In-fa hồi tháng 7, khiến tình trạng lũ lụt vốn đã nghiêm trọng trở nên tồi tệ hơn trên khắp vùng đông nam của Trung Quốc.

Còn với cơn bão số 5, theo trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn cho biết, vào 13 giờ cùng ngày, trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 540km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 11.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão sẽ di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 10/9, vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 120km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11, giật cấp 13.

Đài khí tượng Nhật Bản cho biết cơn bão ở gần giữa biển Đông, sức gió mạnh nhất 82 km/h. Ngày mai bão mạnh lên 108 km/h, hướng đi vào bắc và trung Trung bộ. Hoa Kỳ dự báo, bão sẽ vào khu vực bắc Vịnh Bắc Bộ (ngoài khơi Thanh Hoá, Nghệ An).

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, các nước đang có dự báo khác nhau về hướng đi của cơn bão này. Lý do là cơn bão số 5 đang chịu ảnh hưởng bởi cơn bão Chanthu. Ông cho rằng, bão khi đến quần đảo Hoàng Sa sẽ chậm lại, sau đó đi vào khu vực Vịnh Bắc Bộ.