CNN đưa tin hôm 4/12, báo cáo mới của tổ chức nhân quyền Safeguard Defenders cho biết, Bắc Kinh đã thiết lập hơn 100 đồn cảnh sát khắp toàn cầu để giám sát, quấy rối và đôi khi là trục xuất công dân Trung Quốc về nước. Thậm chí tại một số quốc gia, Trung Quốc sử dụng các thỏa thuận an ninh song phương để mở rộng sự hiện diện của mình.
Hồi tháng 9, tổ chức này đã phát hiện 54 đồn cảnh sát của Trung Quốc ở nước ngoài và báo cáo mới phát hiện thêm 48 cơ sở nữa.
Bắc Kinh đã phủ nhận việc điều hành lực lượng cảnh sát mật bên ngoài lãnh thổ đại lục. Thay vào đó, họ tuyên bố các cơ sở này là trung tâm hành chính, được thiết lập để giúp đỡ người Hoa xa xứ. Tuy nhiên, các hoạt động lãnh sự không khai báo bên ngoài cơ quan ngoại giao chính thức của một quốc gia là rất bất thường và bất hợp pháp, trừ khi có sự đồng ý của nước sở tại.
Để có sự hiện diện rộng rãi trên trường quốc tế, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã sử dụng các thỏa thuận an ninh song phương với các nước ở châu Âu và châu Phi. Ví dụ, chính phủ Ý, vốn đã ký một loạt thỏa thuận an ninh với Bắc Kinh từ năm 2015, hầu như đã giữ im lặng trước thông tin về các đồn cảnh sát Trung Quốc trên lãnh thổ nước mình.
Từ năm 2016 đến 2018, cảnh sát Ý đã tiến hành nhiều cuộc tuần tra chung với cảnh sát Trung Quốc – đầu tiên là ở Rome và Milan – sau đó là ở các thành phố khác.
Vào năm 2016, một quan chức cảnh sát Ý nói với NPR rằng, việc phối hợp kiểm soát sẽ “dẫn đến sự hợp tác quốc tế rộng lớn hơn, trao đổi thông tin và chia sẻ tài nguyên để chống lại các nhóm tội phạm và khủng bố đang gây ảnh hưởng đến các quốc gia của chúng ta”.
Safeguard Defenders xác định có 11 đồn cảnh sát Trung Quốc ở Ý, bao gồm cả ở Venice và Prato.
Trung Quốc cũng đã thiết lập một mạng lưới “Trung tâm dịch vụ Trung Quốc ở nước ngoài” hợp tác với chính phủ Nam Phi, thông qua các thỏa thuận an ninh song phương.
Lãnh sự quán Trung Quốc tại Cape Town cho biết kế hoạch này “đã tích cực ngăn chặn tội phạm trong cộng đồng và giảm đáng kể số vụ việc”.
Theo Safeguard Defenders, một công dân Trung Quốc đã bị ép buộc về nước bởi các đặc vụ làm việc bí mật trong đồn cảnh sát Hoa kiều ở ngoại ô Paris. Trước đó, 2 người Trung Quốc lưu vong cũng bị buộc trở về Đại lục từ châu Âu.
Giám đốc chiến dịch Safeguard Defenders Laura Harth cho hay “Những gì chúng ta thấy từ Trung Quốc là sự gia tăng nỗ lực đàn áp những người bất đồng chính kiến ở khắp mọi nơi trên thế giới, đe dọa người dân, quấy rối người dân, đảm bảo rằng họ sợ hãi và im lặng hoặc sẽ phải đối mặt với việc bị đưa về Trung Quốc trái với ý muốn của mình”.
Ireland và Hà Lan đã đóng cửa đồn cảnh sát Trung Quốc trên lãnh thổ nước mình, còn Tây Ban Nha đang tiến hành một cuộc điều tra về các cơ sở này.