Tuổi thọ trung bình của người Nhật Bản từ lâu đã được xếp vào hàng cao nhất trên thế giới, tuổi thọ trung bình của nữ giới là 86 tuổi, nam giới là 81 tuổi. Hơn nữa cứ 4 người cao tuổi Nhật Bản thì có một người sống được thọ hơn 90 tuổi. Trên thực tế, bí quyết trường thọ của người Nhật rất có thể liên quan mật thiết đến thói quen ăn uống đáng học hỏi của họ.

Chỉ ăn vừa bụng, không quá no

Ăn quá no không chỉ ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa thức ăn mà còn tác động không tốt đến các cơ quan khác trong cơ thể, gây béo phì, khiến cơ thể chịu đói kém hơn v.v. Do đó, mỗi bữa, người Nhật thường chỉ ăn no đến 8 phần (nghĩa là ăn đến khi có cảm giác đủ, nếu muốn ăn nữa thì vẫn ăn được).

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, mất 20 phút thì não bộ mới có thể nhận biết được tín hiệu “no” từ bao tử. Nếu tiếp tục ăn cho đến khi bạn cảm thấy no căng, nghĩa là bạn đã ăn quá mức. Việc này dẫn đến việc ăn nhiều hơn, do bao tử ngày càng giãn ra để thích ứng với lượng đồ ăn nạp vào mỗi bữa.

Ăn nhạt, ít chiên rán

Người Nhật thích ăn thanh đạm, khá nhạt. Họ chú ý đến hương vị gốc của thực phẩm, sử dụng tương đối ít dầu ăn, gia vị. Nhiều món ăn được nấu đơn giản và nêm nếm với một chút muối hoặc nước tương. Người Nhật thường ăn sống các loại thực phẩm như rau diếp, cà rốt, dưa chuột… Họ chuộng hấp, luộc, nướng, hầm thực phẩm hơn là chiên xào.

Ảnh minh họa: Pixabay.

Mặc dù khẩu vị nhạt nhưng người Nhật rất chú ý về thứ tự ăn uống. Họ thường bắt đầu từ ăn rau, sau đó mới ăn thịt, cuối cùng là ăn cơm. Ăn rau trước không chỉ làm tăng cảm giác no, giảm ăn thịt, mà còn ức chế sự gia tăng của lượng đường trong máu và lipid máu ở một mức độ nhất định. Đồng thời giúp tiêu hóa tốt hơn.

Bên cạnh đó người Nhật còn thường xuyên dùng cá nhiều bởi thực phẩm này chứa nhiều chất dinh dưỡng và nguyên tố vi lượng, giúp cơ thể vừa có cảm giác no lâu lại có lượng calo ít, không gây tăng cân.

Ăn chậm, nhai kỹ

Ăn chậm rất tốt cho quá trình tiêu hóa, giảm tải hoạt động cho dạ dày. Theo chuyên gia dinh dưỡng Nina Crowley của trường Đại học Y khoa (Đại học Nam California, Hoa Kỳ), khi bạn ăn nhanh, bạn có thể bỏ lỡ cảm giác đã ăn no và tiếp tục ăn nhiều hơn.

Không chỉ vậy, trong triều đại nhà Đường, vị danh y Trung Quốc nổi tiếng Tôn Tư Mạc đã đề xuất trong cuốn “Thiên Kim Yếu Phương” rằng, ăn uống nên chọn cách ăn nóng ấm, nhai kỹ, nuốt chậm.

Tác giả nổi tiếng thời nhà Thanh (Trung Quốc) nhấn mạnh trong cuốn sách “Dưỡng Bệnh dung ngôn” rằng, cho dù là cơm, cháo hay đồ ăn nhẹ, thì cách tốt nhất là ăn chậm, nhai kỹ.

Chế độ ăn phong phú và đa dạng

Trong mỗi bữa ăn, người Nhật thường bày nhiều món vào những chén nhỏ, đĩa nhỏ, đủ khẩu phần ăn cho từng người.

Người Nhật bày nhiều món trong chén nhỏ (ảnh chụp màn hình Afamily).

Việc ăn trong chén nhỏ giúp đa dạng hóa chế độ ăn hàng ngày của người Nhật, đồng thời đánh lừa bộ não, khiến người ta ăn ít nhưng cảm giác nhanh no hơn. Thông thường một bữa ăn trong gia đình Nhật Bản sẽ có những món như sashimi, rau luộc, súp miso, dưa chua, đậu phụ lạnh, nước tương, cơm v.v

Ngoài ra, người Nhật cũng có thói quen ăn uống theo mùa để thưởng thức những thực phẩm tươi ngon nhất và đúng thời điểm chúng được thu hoạch.

Xem thêm: